Đại biểu Quốc hội kiến nghị rà soát, thu hồi hết ‘đất vàng’ sai phạm

28/05/2018 10:12 GMT+7

Thảo luận tại hội trường sáng nay, 28.5, các đại biểu đề nghị Quốc hội phải rà soát lại tất cả đất đai tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá sai phạm, sử dụng không đúng mục đích.

Trong phiên làm việc ngày hôm nay, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Trước đó, thay mặt Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát, trong đó đặc biệt lưu ý về tình trạng làm ăn thua lỗ, yếu kém của các doanh nghiệp.

Cụ thể, đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1,3 triệu tỉ đồng lên 1,6 triệu tỉ đồng).

Hiệu quả đầu tư của khối DNNN đạt thấp so với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI, hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) của khối DNNN trong giai đoạn 2011 - 2016 cao hơn nhiều so với 2 khu vực doanh nghiệp còn lại (năm 2016 cao gấp 1,58 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước, 1,86 lần so với doanh nghiệp FDI).

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, DNNN thua lỗ có nguyên nhân từ đầu tư yếu kém, nhiều đại dự án để thất thoát. “Tôi đi tiếp xúc cử tri huyện Tam Nông, Phú Thọ, 50 ha ruộng bờ xôi ruộng mật làm nhà máy Ethanol giờ dự án bị thua lỗ, dừng triển khai 5 - 6 năm, người dân vô cùng bức xúc. Qua làm việc thì dự án này vẫn đang tiếp tục thua lỗ”, đại biểu Hàm nói và đề nghị phải xử lý dứt điểm dự án thua lỗ, bởi nếu để càng lâu hậu quả càng nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) lo ngại về tình trạng các DNNN khi cổ phần có sai phạm trong sử dụng đất. Rất nhiều bất động sản đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp, cho thuê giá rẻ.

Đồng quan điểm, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cũng cảnh báo nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hoá, xác định giá thị thấp hơn giá trị thực tế lợi thế đất, thương hiệu không được đánh giá đúng. “Nhiều doanh nghiệp bị bán với giá bèo bọt, có tình trạng tài sản nhà nước mua vào thì cao, còn bán ra thì thấp”, đại biểu Lịch nêu ý kiến và đề nghị không cách nào hay hơn phải đấu giá công khai minh bạch, loại bỏ các yếu tố lũng đoạn, chi phối mới không bị lãng phí, phát sinh tiêu cực. Cơ chế định giá tài sản phải thay đổi.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cũng kiến nghị: “Vi phạm trong sử dụng đất khi cổ phần hoá gây rối ren và bức xúc trong dân, có hiện tượng doanh nghiệp quản lý "đất vàng" cho thuê giá bèo thất thoát. Để ngăn chặn các doanh nghiệp giữ đất dù không phù hợp với mục đích kinh doanh đề nghị Chính phủ sớm rà soát, thu hồi lại toàn bộ đất, "đất vàng" sai phạm, chấn chỉnh cách tính giá thuê đất”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.