Đại biểu Quốc hội 'sốt ruột' về triển khai giáo dục địa phương

21/10/2022 07:05 GMT+7

Qua giám sát việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở một số tỉnh thành, đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự lo lắng, sốt ruột.

Hết học kỳ 1, nơi dạy nơi không dạy

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 18.10 vừa qua, một số đại biểu đã bày tỏ lo ngại khi đề cập đến việc thực hiện nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, chỉ ra rằng tài liệu GDĐP làm chậm là do giao cho địa phương biên soạn, Bộ GD-ĐT thẩm định trong khi các địa phương cũng phải thuê chuyên gia tổ chức biên soạn. Tuy nhiên, biên soạn xong rồi nhưng Bộ vẫn chưa có hướng dẫn tổ chức in ấn như thế nào, kinh phí ra sao, học sinh (HS) có phải mua, hay cấp phát…

Do vậy, giáo viên (GV) nhiều trường gửi file cho phụ huynh tự đi in cho con học, nếu không muốn học trên bản online. Tài liệu biên soạn kênh hình, màu sắc đẹp nhưng in đen trắng thì không hấp dẫn được HS. “Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn, cơ chế thẩm định tài liệu này sớm hơn, nhanh hơn để HS có tài liệu học”, bà Tuyết đề nghị.

Một giờ học môn giáo dục địa phương tại Kon Tum. Giáo viên mong chờ tài liệu học tập môn này được Bộ GD-ĐT phê duyệt cho các khối lớp 3, 7, 10

ĐỨC NHẬT

Bà Đàng Thị Mỹ Hương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nêu thực tế qua giám sát của Ủy ban tại tỉnh Thanh Hóa mới đây cho thấy, dù quy định đã có từ trước nhưng vẫn thiếu sự chuẩn bị, địa phương rất lúng túng trong việc biên soạn và in ấn tài liệu này đưa vào nhà trường. Do vậy, việc triển khai rất chậm so với tiến độ, có nơi trong học kỳ 1 vẫn không thực hiện được dẫn đến việc thực hiện không đồng bộ trên cả nước, nơi dạy nơi không dạy.

Đề nghị kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục nhiệm kỳ 2016 - 2021

Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Quàng Thị Nguyệt, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, cũng bày tỏ lo lắng khi nhiều ý kiến phản ánh trong chương trình mới, hoạt động trải nghiệm với GDĐP và hướng nghiệp bị “chồng chéo”. Cụ thể, ở cấp THCS, HS được học hoạt động trải nghiệm, trong đó cũng lặp lại nội dung GDĐP và hướng nghiệp... Vấn đề này nên được giải quyết như thế nào? Phải chăng người làm chương trình chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, lường trước những thách thức sẽ phải “đối mặt” để đề ra giải pháp phù hợp ngay từ đầu, dẫn tới bị động, lúng túng.

Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn, cơ chế thẩm định tài liệu này sớm hơn, nhanh hơn để HS có tài liệu học.

Văn Thị Bạch Tuyết (Đại biểu Quốc hội TP.HCM)

Nhiều nơi chậm biên soạn, lúng túng khi triển khai

Nhiều GV ở các tỉnh phía bắc cũng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc soạn giảng, kiểm tra, đánh giá môn học, tăng cường tập huấn để tháo gỡ vướng mắc cho các GV trực tiếp giảng dạy.

Các cơ sở giáo dục ở tỉnh Lào Cai phản ánh, dù tài liệu GDĐP đã được duyệt nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể in cho HS học. Sự chậm trễ được đánh giá là xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc về việc thẩm định giá sách, đấu thầu in sách. Thời gian qua, nhiều trường không thể photo sách cho HS vì lo vấn đề bản quyền và kinh phí. Đại diện Sở GD-ĐT cho biết trong thời gian chờ phát hành sách, các nhà trường, GV sử dụng bản PDF tài liệu GDĐP, tuyệt đối không cắt ghép, thay đổi nội dung, không chia sẻ dưới mọi hình thức, không vi phạm bản quyền...

Bên cạnh đó, việc phân công giảng dạy, cách đánh giá, kiểm tra, vào điểm nhận xét nội dung GDĐP hiện nay đang được mỗi nơi thực hiện theo một cách khác nhau. Có trường phân công cho 1 GV dạy cả nội dung GDĐP (bao gồm: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc, mỹ thuật) nhưng cũng có trường phân ra từng phân môn để trả về các tổ chuyên môn giảng dạy. Khi kiểm tra định kỳ thì chắp nối mỗi phân môn một đoạn vào đề kiểm tra nhưng đặc trưng và hướng dẫn cho điểm, nhận xét các phân môn đang rất khác nhau. Trong khi, nội dung GDĐP thì được hướng dẫn đánh giá bằng nhận xét (đạt, chưa đạt).

Ở khâu biên soạn cũng mỗi nơi có một cách làm khác nhau, nhiều nơi nói rất khó tìm được những chuyên gia, nhà giáo có kiến thức sâu rộng để biên soạn, thẩm định tài liệu, một số nơi lại chưa có sự phối hợp tốt với các hội như hội văn học nghệ thuật và hội lịch sử địa phương để tranh thủ nguồn lực nhằm biên soạn tài liệu này được tốt nhất…

Một giờ học môn giáo dục địa phương tại TP.HCM. Do chưa có sách nên nhiều trường gửi file cho phụ huynh tự đi in cho con học, nếu không muốn học trên bản online

đào ngọc thạch

Bộ GD-ĐT yêu cầu phân công gv, kiểm tra đánh giá thế nào ?

Trong hướng dẫn mới đây, đối với nội dung GDĐP, Bộ GD-ĐT yêu cầu nội dung GDĐP bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công GV dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của GV.

Kế hoạch dạy học nội dung GDĐP cần được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho HS liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Về việc kiểm tra, đánh giá, Bộ GD-ĐT quy định: GV dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Kon Tum: Gần nửa học kỳ vẫn chưa có tài liệu

Tại Kon Tum, đến nay môn GDĐP vẫn chưa có tài liệu chính thức khiến GV phải loay hoay tìm phương án giảng dạy.

Mặc dù GDĐP là môn bắt buộc nhưng từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, khối lớp 3, 7 và 10 tại Kon Tum vẫn chưa có tài liệu chính thức để dạy và học. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Đăk Pxi, H.Đăk Hà, Kon Tum), cho biết do chưa có tài liệu GDĐP chính thức nên GV chủ động tìm tòi trên mạng và liên hệ thực tế để giảng dạy cho HS.

Theo bà Mai, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã áp dụng năm thứ 3 ở bậc tiểu học. Do đó, GV đã được tập huấn về tài liệu GDĐP khi thực hiện chương trình mới đối với lớp 1 và 2. Chính vì vậy, thầy cô dựa trên tài liệu có sẵn, cùng với việc tìm hiểu thêm ở địa phương để vận dụng giảng dạy khối lớp 3.

Từ đầu năm học đến nay, mỗi tháng trường đều lồng ghép, tổ chức hoạt động tập thể gắn với GDĐP. Bên cạnh đó, mỗi tuần 1 tiết hoạt động địa phương để HS tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử nơi mình sinh sống.

Ông Thái Khắc Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Kon Tum, cho biết đối với tài liệu GDĐP lớp 1, 2, 6 các trường trên địa bàn thành phố có sách và tài liệu chính thức ngay từ đầu năm học nên đã triển khai giảng dạy. Riêng lớp 3 và 7, do chưa có sách cũng như file PDF nên GV linh hoạt, chủ động tìm hiểu về văn hóa, lịch sử địa phương để truyền tải đến HS.

“Để đảm bảo chương trình và kiến thức cho HS, đơn vị đã chỉ đạo các trường phân công GV môn lịch sử, địa lý… nắm bắt tình hình địa phương, giáo dục các em thông qua hoạt động trải nghiệm, tiết ngoài giờ lên lớp. Khi bộ tài liệu được triển khai về các trường thì nội dung sẽ chi tiết và cụ thể hơn”, ông Hòa nói.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum, cho biết hiện nay tài liệu GDĐP lớp 3, 7 và 10 của Kon Tum đang được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt. Theo bà Trung, địa phương đã gửi tài liệu GDĐP từ tháng 6, nhưng đến tháng 9 vừa qua Bộ GD-ĐT mới phản hồi. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu Kon Tum bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong tài liệu. Hiện tại, địa phương đã phản hồi lại và đang đợi ý kiến từ Bộ GD-ĐT.

“Nếu trong tháng 10 Bộ GD-ĐT phê duyệt thì vào tháng 11 đơn vị sẽ triển khai để các trường giảng dạy. Hiện nay, Bộ chưa thông qua nên Sở không thể triển khai cho các trường giảng dạy bằng file PDF”, bà Trung nói.

Đức Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.