Đại biểu Quốc hội: 'Thanh tra nhân dân là chế định cực kỳ hình thức'

14/06/2022 12:05 GMT+7

Đại biểu Đồng Nai Trịnh Xuân An đề nghị cân nhắc kỹ quy định về Thanh tra nhân dân trong luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vì cho rằng, "đây là chế định cực kỳ hình thức".

Sáng 14.6, thảo luận luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ quy định về Thanh tra nhân dân vừa được đưa từ luật Thanh tra (cũng đang trình Quốc hội tại kỳ họp) vào dự thảo luật.

Ông Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu sáng 14.6

gia hân

"Nếu tôi đề nghị không quy định Thanh tra nhân dân nữa thì chắc nhiều ý kiến không tán thành với tôi. Tuy nhiên, tôi thấy rằng chế định Thanh tra nhân dân là chế định cực kỳ hình thức và lâu nay dường như chúng ta bỏ quên chế định này trong luật Thanh tra", ông An nói.

"Có lẽ đến thời điểm này tôi cũng chưa hình dung được trong Văn phòng Quốc hội ai đang là Trưởng ban Thanh tra nhân dân. Và địa phương cũng vậy"

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An nói.

Trong khi đó, ông An phân tích, dự thảo luật đang xác định Thanh tra nhân dân ở địa phương gắn với Mặt trận Tổ quốc và gắn Thanh tra nhân dân ở cơ quan đơn vị với công đoàn còn hoạt động phụ thuộc vào mặt trận vào phụ thuộc vào công đoàn.

Theo ông An, ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã có HĐND cũng là cơ quan đứng ra giám sát cơ quan của người dân. Giờ có thêm Thanh tra nhân dân, rồi còn có Ban giám sát đầu tư xây dựng cơ bản (cũng quy định trong dự thảo luật - PV) nữa. Đặc biệt là hoạt động của Thanh tra nhân dân lại gắn với 2 cơ cấu rất quan trọng đó là Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn.

"Có cần thiết phải xây dựng nhiều mô hình cơ quan thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra không? Đó là chúng ta chưa phân biệt được giám sát và kiểm tra ở cơ sở", ông An nêu vấn đề.

Từ đó, ông An đề nghị các đại biểu cân nhắc quy định về chế định này trong dự thảo luật. "Nếu quy định thì dự thảo chưa đầy đủ và sẽ đi vào tình trạng hoạt động rất hình thức", đại biểu Đồng Nai nhấn mạnh.

Dự thảo luật Thực hiện dân chủ cơ sở được nâng lên từ Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 do Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo và dành chương 5 để quy định về Thanh tra nhân dân vốn đang được quy định tại luật Thanh tra hiện hành.

Theo đó, Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cán bộ, công chức và chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân theo dự thảo luật:

1. Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.

2. Khi cần thiết, được Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định.

3. Kiến nghị với Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua việc giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.