Đại biểu Quốc hội tranh luận về khoản thu kinh phí công đoàn 2%

24/10/2024 13:09 GMT+7

Đa số đại biểu thống nhất duy trì khoản thu kinh phí công đoàn 2% nhưng cũng có ý kiến cho rằng khoản thu này vào năm 1957 là hợp lý, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay không còn hợp lý và đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp có nhiều người lao động.

Sáng 24.10, tiếp tục kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật Công đoàn sửa đổi, trong đó có vấn đề khoản thu kinh phí công đoàn 2%.

Đa số đại biểu thống nhất đề xuất duy trì khoản thu kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng.

Đại biểu Quốc hội tranh luận về khoản thu kinh phí công đoàn 2%- Ảnh 1.

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) nêu ý kiến tại phiên thảo luận

ẢNH: GIA HÂN

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nói thực tế hoạt động của Công đoàn Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ cho thấy, nguồn thu kinh phí công đoàn và các nguồn khác là cơ sở rất quan trọng để tổ chức hoạt động của công đoàn, thực hiện chức năng nhiệm vụ của công đoàn.

"Với tính chất đặc thù của công đoàn thì khoản kinh phí công đoàn 2% này khác với các tổ chức chính trị - xã hội khác", nữ đại biểu Bắc Giang nêu.

Theo bà, trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, để chăm lo cho người lao động cũng như tạo sự gắn kết lâu dài của người lao động đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong hoạt động của tổ chức công đoàn thì việc thu 2% kinh phí công đoàn là hợp lý, đảm bảo được hoạt động của công đoàn một cách bền vững.

Đây cũng là ý kiến tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với vấn đề kinh phí công đoàn 2%.

Đại biểu Quốc hội tranh luận về khoản thu kinh phí công đoàn 2%

Báo cáo trước phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, kể từ khi có luật Công đoàn năm 1957, kinh phí công đoàn được thực hiện liên tục, việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn nhằm chăm lo cho người lao động và bảo đảm bộ máy hoạt động công đoàn, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vẫn theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kinh phí công đoàn được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật - PV) cho hay, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%), đồng thời có ít kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến nộp 2% kinh phí công đoàn.

"Có thể cho rằng, vấn đề 2% kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp", Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá và đề nghị giữ quy định về mức kinh phí công đoàn 2%.

Đại biểu Quốc hội tranh luận về khoản thu kinh phí công đoàn 2%- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) nêu tranh luận "với hầu hết đại biểu" tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN


Thu kinh phí công đoàn từ 1 - 2% theo quy mô doanh nghiệp

Giơ biển tranh luận với "đa số đại biểu", đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) nói, khoản kinh phí công đoàn 2% vào năm 1957 là hợp lý vì người lao động thời kỳ đó chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ quan nhà nước. Kinh phí công đoàn trích ra từ ngân sách nhà nước cấp. "Bản chất là lấy từ túi này chuyển sang túi khác, vì tất cả đều là của Nhà nước cả", ông Trí phân tích.

Tuy nhiên, theo đại biểu TP.Hà Nội, khi Việt Nam đổi mới, chuyển qua nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì khoản thu kinh phí công đoàn "dần không còn hợp lý nữa".

Ông Trí nêu nhiều lý do, số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là rất lớn, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

"Nếu đóng phí công đoàn 2% thì đó là một gánh nặng cho doanh nghiệp có nhiều người lao động. Nặng đến mức doanh nghiệp không thể mở rộng được, thậm chí là không duy trì hoạt động được thì người lao động không được làm việc, tức là mất việc", ông Trí nêu, và cho rằng, khi thu hẹp doanh nghiệp, đầu tư FDI sẽ bị giảm, nền kinh tế bị ảnh hưởng và người lao động sẽ thất nghiệp.

"Rồi sẽ có nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thậm chí không tham gia công đoàn nữa. Hậu quả thật là nặng nề", đại biểu TP.Hà Nội nói và bày tỏ: "Có lẽ phải tìm ra cách gì để khoản thu kinh phí công đoàn hợp lý hơn trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay".

Đại biểu Quốc hội tranh luận về khoản thu kinh phí công đoàn 2%- Ảnh 3.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, 75% kinh phí công đoàn là để tại cơ sở để chăm lo cho người lao động, công đoàn cấp trên chỉ trích 25%

ẢNH: GIA HÂN

Từ phân tích trên, ông Trí đề nghị, thu kinh phí công đoàn theo quy mô lao động của doanh nghiệp. "Với doanh nghiệp dưới 500 lao động thì phí vẫn là 2%; từ 500 - 3.000 người thì thu 1,5%; còn trên 3.000 người thì chỉ thu 1% thôi", đại biểu đề nghị.

Cùng đó, ông Trí cho rằng, luật Công đoàn sửa đổi lần này cũng cần quy định chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, yêu cầu doanh nghiệp quan tâm đến đời sống tinh thần, văn hóa, giải trí, thể thao của người lao động. "Tôi nghĩ như thế sẽ tốt và hiệu quả hơn với người lao động", ông Trí nhìn nhận.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nói, 75% khoản kinh phí công đoàn thu từ cơ quan, doanh nghiệp được để lại tại công đoàn cơ sở để chăm lo cho người lao động. Công đoàn cấp trên chỉ trích 25%.

Ông Nguyễn Đình Khang cũng cho hay, dự thảo luật cũng bổ sung quy định để khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì có thể miễn, giảm, tạm dùng đóng khoản kinh phí công đoàn này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.