Đại biểu Quốc hội tranh luận với Bộ trưởng về lợi - hại của thủy điện nhỏ

04/11/2020 21:06 GMT+7

Các đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã tranh luận khi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thủy điện có cả mặt tích cực và tiêu cực .

Thủy điện và ảnh hưởng của thủy điện tới môi trường vẫn là câu chuyện được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong ngày 4.11 - ngày thứ 2 Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, cơ chế, chính sách phát triển thủy điện chưa có rào cản thích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao, có thể dẫn tới một số hậu quả của việc phát triển thủy điện, như phá vỡ sinh kế và mất rừng.
Bà Dung dẫn ví dụ việc xây dựng 25 dự án thủy điện ở Tây nguyên đã lấy đi 68.000 ha rừng của 26.000 hộ dân. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình thủy điện, theo bà Dung, còn gây ra động đất cường độ nhỏ và ảnh hưởng tới nguồn nước hạ lưu và thay đổi dòng chảy...
Theo đại biểu của tỉnh Điện Biên, nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình về thủy điện

Ảnh Gia Hân

Dẫn lời giám đốc sở Khoa học - Công nghệ một địa phương, bà Dung cho biết, bình quân các nhà máy thủy điện loại nhỏ cứ 1 MW sẽ tiêu tốn từ 1 - 10 ha rừng.
“Dự án vào Rào Trăng 3, công suất 11MW, chiếm mất 11 ha rừng; và dự án Rào Trăng 4 thì công suất 14 MW, chiếm mất 168 ha rừng bảo tồn thiên nhiên của H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế”, bà Dung dẫn chứng.

Thủy điện có cả mặt tích cực và mặt hạn chế

Được mời giải trình về vấn đề thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở quy mô khác nhau với công suất phát điện là 20.000 MW, chiếm 37% công suất phát điện của đất nước.
“Đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, thủy điện có cả mặt tích cực và mặt hạn chế, “tùy thuộc quản lý và chính sách để xử lý các vấn đề liên quan”. Về tích cực, ngoài đóng góp quan trọng trong cơ cấu điện, ông Tuấn Anh cho rằng, thủy điện đóng góp cho phát triển địa phương; là nguồn điện quan trong cho chiến lược năng lượng tương lai, đồng thời có tác dụng cắt giảm và điều tiết lũ...
Tuy vậy, Bộ trưởng Công thương cũng thừa nhận có những tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của nhân dân. Do đó, thủy điện đã được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội và Chính phủ.
“Công tác về phát triển thủy điện nói chung cũng như quản lý về an toàn đập hồ thủy điện và sự vận hành của các công trình thủy điện đã được đảm bảo ở mức mới và cụ thể trong các giai đoạn này”, ông Tuấn Anh khẳng định, và cho biết từ năm 2016, ngành công thương đã đưa chỉ tiêu tuyệt đối không bổ sung bất kỳ dự án thủy điện nào nếu có sử dụng diện tích đất rừng tự nhiên.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Ảnh Gia Hân

"Bộ Công Thương quy định chiếm dụng đất không vượt quá 10 ha cho 1 MW điện, nhưng trên thực tế, chỉ có 1,9 ha cho 1MW”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Liên quan tới việc thủy điện ảnh hưởng thế nào đến bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất như đã xảy ra thời gian qua, ông Tuấn Anh khẳng định, nguyên nhân xảy ra sạt lở đất, ngập lụt thời gian qua ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam “gắn chặt với tính dị thường và cực đoan của thời tiết”.
"Tất nhiên, những câu chuyện liên quan đến tác động của vấn đề mất rừng đầu nguồn và thảm thực vật, mất độ kết dính của đất do tác động của con người thông qua dự án thủy điện cũng như các dự án khác là những vấn đề chúng ta không thể phủ nhận ở mức độ nhất định”, ông Tuấn Anh nói thêm.

Lấy thước đo nào khẳng định mặt tốt của thủy điện là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời?

Sau phần giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 2 đại biểu đã đăng ký tranh luận.
Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đồng tình với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh rằng “thủy điện có tính 2 mặt”, song đặt câu hỏi: chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định rằng, mặt tốt của thủy điện là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời?
Cho rằng thủy điện tiềm ẩn nguy cơ, ông Nhưỡng kiến nghị thay thế bằng các năng lượng xanh, sạch như điện gió, điện mặt trời.
"Tôi cũng không chống lại vấn đề làm thủy điện, nhưng phải làm thế nào đây để đất nước không thấy đau đớn, không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi?”, ông Nhưỡng đặt vấn đề, và lưu ý cả Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ TN-MT đều thống nhất quan điểm không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế, và chúng ta đã từng có kế hoạch đóng cửa rừng thì nên thực hiện theo đúng phương châm này.

Đại biểu Dương Trung Quốc tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ngày 4.11

Ảnh Gia Hân

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi cho rằng, chúng ta mới chỉ bàn tới câu chuyện của ngày hôm nay mà chưa bàn tới 40 - 50 năm nữa, khi các dự án thủy điện nhỏ đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì nó sẽ trở thành những quả bom nổ chậm. “Nguồn lực nào quản lý nó?”, ông Quốc đặt câu hỏi, và cho rằng ngay từ bây giờ, khi xây dựng thuỷ điện, chúng ta phải thấy được kết cục của nó như thế nào.
“Chắc chắn nó sẽ là một di sản sau này thế hệ con cháu chúng ta phải lo”, ông Quốc nói.
Dẫn ví dụ nếu hàng vạn mét vuông pin điện mặt trời không dùng nữa sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm, ông Quốc kiến nghị Bộ Công thương, ngành TN-MT phải quan tâm và có chế tài để đảm bảo có nguồn lực giải quyết những hậu họa như thế.

Phụ nữ, trẻ em cõng hàng cứu trợ trèo núi dựng đứng vì 3.000 người bị cô lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.