Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Án quá hạn còn gọi là công lý bị trì hoãn

05/07/2023 17:42 GMT+7

Tại buổi khảo sát việc chấp hành luật Tổ chức TAND tại TAND TP.HCM, nhiều đại biểu đánh giá án quá hạn đang là vấn nạn và từ đó có thể sẽ phát sinh thêm các mối quan hệ tranh chấp khác.

Ngày 5.7, tại TAND TP.HCM, Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa 15 có buổi khảo sát việc chấp hành luật Tổ chức TAND.

Đoàn khảo sát do ông Hoàng Văn Liên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm Trưởng đoàn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Án quá hạn là vấn nạn! - Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Hoàng Văn Liên làm việc tại TAND TP.HCM

PHAN THƯƠNG

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề được đặt ra trong hoạt động xét xử của tòa án, như có cần thiết giữ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của tòa án nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm; hay có nên giữ thẩm quyền tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.

Các đại biểu tại buổi khảo sát đa số đều đồng tình quan điểm nên giữ lại 2 thẩm quyền trên của TAND. Bởi đây là công cụ và phương tiện để tòa án giải quyết các vụ án, đồng thời kiểm soát được quyền lực của các cơ quan liên quan.

Ngoài ra về chính sách, chế độ tiền lương đối với thẩm phán, cán bộ, công chức của tòa án cũng được đưa ra góp ý. Nhiều ý kiến nhận định lương của cán bộ tòa án còn thấp, chưa tương xứng với tính chất công việc, trách nhiệm của thẩm phán và các chức danh tư pháp. Vì vậy, cũng có ý kiến nên chăng quy định thêm tiền dưỡng liêm (tiền do nhà nước cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng liêm khiết - PV) cho thẩm phán, thư ký...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Án quá hạn là vấn nạn! - Ảnh 2.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói về án quá hạn

PHAN THƯƠNG

Đối với án quá hạn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá án quá hạn là vấn nạn, có thể có nhiều nguyên nhân vừa chủ quan và khách quan. Song, theo đại biểu Nghĩa, dù lý do gì, việc chậm, trì hoãn xét xử sẽ gây thiệt hại cho người dân, thiệt hại kinh tế, đặc biệt là đối với án kinh doanh thương mại, án dân sự.

"Án quá hạn còn gọi là công lý bị trì hoãn. Vấn đề này cần phải giải quyết như thế nào cũng cần phải có biện pháp", ông Trương Trọng Nghĩa nêu.

Một số đại biểu khác trong đoàn giám sát cũng nêu nếu các vụ án không xét xử kịp thời, đúng trình tự, thủ tục, có thể phát sinh thêm các mối quan hệ, tranh chấp khác.

Áp lực công việc là rất lớn

Tại buổi khảo sát, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho biết tính đến tháng 9.2022, TAND 2 cấp TP.HCM được giao 1.340 biên chế, trong đó có 761 biên chế thẩm phán; số biên chế thực hiện đến nay là 1.183 biên chế (703 thẩm phán, 1 thẩm tra viên chính, 27 thẩm tra viên, 379 thư ký viên và 73 biên chế khác); còn thiếu 157 biên chế (gồm 58 biên chế thẩm phán và 99 công chức khác).

Theo ông Lê Thanh Phong hiện nay, biên chế các ngạch còn thiếu rất nhiều, nhất là ngạch thư ký, trung bình mỗi thư ký phải giúp việc 2 đến 3 thẩm phán, áp lực công việc là rất lớn, nhiều trường hợp thẩm phán, thư ký do áp lực công việc đã xin nghỉ việc (có 92 công chức nghỉ việc từ tháng 1.2017 - 9.2022).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.