Mặc dù UBND TP.HCM lưu tâm đôn đốc, song đến nay, đa số các công trình xây dựng nhà trẻ cho con của công nhân vẫn chưa thành hình.
Trách nhiệm của ai ?
Cách đây hơn 2 năm rưỡi, ngày 4.3.2011, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã chủ trì cuộc họp về Quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình phục vụ công nhân tại các KCX và KCN TP.HCM. Tại đây, ông Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh việc xây dựng các công trình này (nhà văn hóa công nhân, trạm y tế, trường mầm non và bếp ăn công nghiệp) chính là “nhu cầu bức thiết, nhằm góp phần chăm lo đời sống của công nhân thành phố”. Đại diện UBND TP.HCM cũng thống nhất chủ trương: Trước mắt, tạm thời điều chỉnh một phần diện tích cây xanh ở khu vực này, để đầu tư xây dựng các công trình này. Sau đó, khi di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại các KCN đi nơi khác, sẽ bổ sung diện tích cây xanh cho các KCN hiện hữu.
Đầu năm 2013, trong buổi thăm và làm việc với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài tại các KCX và KCN TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà tiếp tục nhắc nhở những quận, huyện đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà trẻ để phục vụ nhu cầu của người lao động.
Tuy nhiên, tính đến nay, toàn TP.HCM hầu như mới chỉ có một nhà trẻ tại KCN Hiệp Phước (H.Nhà Bè) thực sự dành cho con em công nhân đi vào hoạt động từ ngày 31.8.2012.
Còn lại, 3 dự án lớn đều đang trong quá trình... triển khai. Ông Nguyễn Quốc Vĩnh, Phó trưởng phòng Quản lý xây dựng của Hepza, cho biết: “Riêng trường mầm non trong KCX Tân Thuận đã đến bước lập xong dự án, đang trình Sở Xây dựng thẩm định. UBND Q.7 và Hepza thống nhất sẽ đưa trường này vào hoạt động từ niên học 2014 - 2015, nhưng có được hay không là do tiến độ thực hiện dự án”. Còn hai nhà trẻ ở KCN Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân) và KCX Linh Trung (Q.Thủ Đức) vẫn đang trong giai đoạn lập dự án, nên chưa thể biết được khi nào thi công! Ông Nguyễn Quốc Vĩnh nói: “Tôi không hài lòng về tiến độ thực hiện những dự án vì nó hơi chậm, dù Hepza đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy vấn đề nhà trẻ cho con công nhân”.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên: “Dự kiến lúc nào các nhà trẻ nói trên hoàn thành?”, ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Hepza, cho rằng: “Hepza đã cùng với các công ty phát triển hạ tầng làm hết trách nhiệm của mình rồi. Trong nhiều dự án, công ty hạ tầng đã có một phần đóng góp là trích đất ra để giao địa phương. Phần tiếp theo là thuộc về các sở ngành, quận huyện”. Ông Lâm nêu quan điểm: “Muốn giải quyết bài toán này thì thái độ, sự chăm lo của các quận huyện là rất quan trọng. Bởi lẽ, người lao động đến làm việc xong thì họ về ở tại những khu trọ, thuộc sự quản lý của địa phương. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các quận huyện xúc tiến sớm để có thể ra được cái trường cho con em công nhân”.
|
Thế nhưng, trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Công ty TNHH Tân Thuận bàn giao khu đất 2.000 m2 triển khai xây dựng trường mầm non trong KCX Tân Thuận, UBND Q.7 khẳng định: “Việc xây dựng trường mầm non để phục vụ con của công nhân KCX Tân Thuận là trách nhiệm của Hepza và Công ty TNHH Tân Thuận”.
Đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu
Hiện nay, tổng số công nhân đang làm việc trong các KCX- KCN tại TP.HCM là khoảng 270.000 người. Mặc dù Hepza vẫn chưa có thống kê số liệu công nhân đang có con trong độ tuổi mầm non, song Chánh văn phòng Hồ Xuân Lâm nhìn nhận: “Các nhà trẻ trên ra đời sẽ góp phần giải bài toán bức xúc là người lao động không có chỗ gửi con còn nhỏ. Từ đó, giúp họ có thể yên tâm làm việc”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giả sử tất cả dự án còn dang dở nói trên đều hoàn thành, thì cũng chỉ đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu gửi con của người lao động trong những KCX, KCN có xây dựng nhà trẻ.
Một khảo sát của Phòng Giáo dục Q.7 cho thấy KCX Tân Thuận có 1.584 trẻ ở độ tuổi mầm non. Trong khi đó, công trình trường mầm non trong KCX Tân Thuận nếu hoàn tất sẽ có khả năng tiếp nhận 425 trẻ, tức mới đáp ứng 26,8% so với nhu cầu thực tế.
Từ tháng 8.2012, Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và bàn giao mặt bằng tầng trệt khoảng 639,74 m2 và 200 m2 đất công viên tại khuôn viên nhà lưu trú công nhân KCN Hiệp Phước cho Phòng Giáo dục H.Nhà Bè quản lý, làm cơ sở 2 của Trường mầm non Đồng Xanh. Điểm trường này gồm 4 phòng với 149 trẻ độ tuổi từ 25 - 60 tháng đang theo học. Mức phí phổ biến tại đây là 700.000 - 800.000 đồng/tháng/trẻ. Dẫu được xem như một “mô hình mẫu” của TP.HCM về nhà trẻ cho con công nhân, nơi này cũng chỉ đáp ứng 22,64% nhu cầu cần gửi trẻ của người lao động tại KCN Hiệp Phước.
Ý kiến Gửi con về quê Khi con còn nhỏ, tôi phải “bấm bụng” đưa bé về quê ở với ông bà nội. Vợ chồng tôi đi làm suốt ngày, nhiều hôm còn tăng ca nên không có thời gian lo cho bé. Với đồng lương eo hẹp của công nhân, chúng tôi không thể gửi con tại những trường có dịch vụ tốt, vì chi phí rất cao. Còn gửi con ở những nhóm trẻ gia đình thì không yên tâm. Thật tình, cho con về quê cũng nhớ lắm chứ, nhưng lúc đó mình không còn sự lựa chọn nào khác. Nguyễn Phương (công nhân sản xuất phanh xe đạp, xe máy trong KCX Linh Trung 2, TP.HCM) Bớt được khoản chi phí đáng kể Trong KCN Hiệp Phước có xây nhà trẻ công lập cho con công nhân nên gia đình tôi bớt được khoản chi phí đáng kể. Mặt khác, việc đưa đón con cũng vô cùng thuận tiện nhờ trường sát bên chỗ ở. Nguyễn Văn Trọng (ngụ tại phòng B001 Khu lưu trú công nhân KCN Hiệp Phước, TP.HCM) Mong có nhà trẻ trong KCX Chúng tôi mong có một nhà trẻ trong KCX phù hợp túi tiền của công nhân. Muốn là vậy, nhưng không biết người ta có thực hiện được không… Lê Thị Hồng (công nhân may giày Q.Thủ Đức, TP.HCM) |
Như Lịch - Lê Thanh
>> Bất an với những nhà trẻ không phép
>> Trường công lập “bỏ rơi” bé độ tuổi nhà trẻ
>> Kinh nghiệm cho con đi nhà trẻ
>> Suất ăn nhà trẻ tăng giá
Bình luận (0)