'Đại công xưởng' đào vàng giữa rừng tự nhiên

06/05/2022 06:13 GMT+7

Dân khai thác vàng trái phép dựng lán kiên cố ngay trong rừng tự nhiên, đưa máy móc vào biến khu vực bãi 38 ở huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) thành “đại công xưởng” tuyển vàng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn chưa chốt phương án để đóng cửa mỏ.

Hiện trường ngổn ngang phương tiện và máy móc

“Thủ phủ vàng” Phước Sơn trở thành điểm nóng về khai thác vàng trái phép nhiều năm qua. Dù cơ quan chức năng tổ chức nhiều cuộc đẩy đuổi, truy quét nhưng cứ sau một thời gian thì tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn. Bãi vàng 38 ở xã Phước Hòa là một trong những điểm nóng như thế.

Ngày 28.4, PV Thanh Niên đã thâm nhập bãi vàng 38 trái phép này. Mất hơn 1 giờ đồng hồ vượt qua nhiều khe suối, đường rừng, chúng tôi mới có mặt tại bãi này. Dừng xe cách bãi vàng gần 1 km PV vẫn nghe tiếng máy nổ khai thác vàng.

Những lán trại bằng bạt được dựng lên phục vụ việc khai thác vàng

MẠNH CƯỜNG

Hiện trường khai thác ngổn ngang phương tiện và máy móc. Nhiều diện tích bị đào xới. Không chỉ có lán trại tạm bợ bằng bạt xanh mà có hẳn những căn nhà xây dựng kiên cố bằng bê tông. Ở phía bãi vàng, tập trung nhiều máy nghiền xay đất đá. Sâu vào vách núi là các hầm được đục, nơi phu vàng đang dùng xe thồ liên tục đẩy đất đá từ bên trong ra rồi đưa đến các dây chuyền nghiền đá…

Trước đây, UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép cho Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt (trụ sở ở TT.Khâm Đức, H.Phước Sơn) khai thác tại bãi vàng 38, thời hạn đến năm 2016. Năm 2017, công ty này tiếp tục được cấp phép thăm dò trên diện tích 9,26 ha, thời hạn đến tháng 8.2019. Tuy nhiên, sau đó công ty không thực hiện báo cáo kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng nên chính quyền H.Phước Sơn đã yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Sau khi Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt chấm dứt hoạt động, nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh đổ xô vào đây khai thác trái phép.

Chậm đóng cửa mỏ

Ông N.V.T (57 tuổi, ở xã Phước Hòa) cho biết tình trạng khai thác vàng trái phép ở bãi 38 trở nên nhức nhối trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng chưa thể dẹp yên. Lâu lâu lại thấy lực lượng chức năng tổ chức truy quét nhưng được thời gian ngắn thì đâu lại vào đó. “Không chỉ có bãi vàng 38 mà bãi vàng 39 nằm gần đó nhiều năm nay cũng trở thành điểm nóng về khai thác vàng trái phép. Nước thải từ bãi có chứa chất độc cyanua chảy xuống đã biến những con suối thành những dòng “nước chết”, không loài nào sống nổi”, ông T. cho biết.

Nhiều người đang thực hiện việc đào vàng trái phép tại bãi vàng 38

Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng công an H.Phước Sơn, cho biết từ năm 2019 đến nay công an huyện đã nhiều lần phối hợp truy quét, đẩy đuổi, tiêu hủy nhiều lán trại, phương tiện tại bãi vàng 38 nhưng chưa triệt để. Nơi đây không những tồn tại nạn “vàng tặc” mà còn tồn tại nhiều tệ nạn như mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ trái phép đã được công an huyện phối hợp với công an tỉnh triệt xóa thời gian qua. “Về vấn đề này, chúng tôi và các cơ quan chức năng ở huyện đã nhiều lần báo cáo, tham mưu cho các cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị đóng cửa mỏ bãi vàng 38 nhưng chưa thực hiện được do thiếu kinh phí”, thượng tá Tuấn nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết hiện nay huyện đã trình hồ sơ đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng 38 từ tháng 6.2021. Tuy nhiên, đến tháng 1.2022, Sở TN-MT mới có văn bản thẩm định trả lời là “không rõ nguồn kinh phí đóng cửa mỏ”, đề nghị UBND H.Phước Sơn giải trình. Huyện giải trình rằng, theo quy định của luật Khoáng sản, kinh phí đóng cửa mỏ sử dụng nguồn kinh phí phục hồi môi trường của doanh nghiệp. Trong trường hợp thiếu thì UBND huyện trình HĐND cấp tỉnh xem xét bổ sung, thực hiện.

“Nguồn kinh phí thực đóng cửa mỏ gần 500 triệu đồng, trong khi đó trước đây doanh nghiệp khai thác đã đóng phí phục hồi môi trường 190 triệu đồng, nên chỉ cần thêm hơn 300 triệu đồng nữa là đủ. Số tiền còn lại huyện có thể giải quyết được, tuy nhiên HĐND cấp tỉnh phải ủy quyền cho HĐND cấp huyện thì mới thực hiện việc đóng cửa mỏ. Trong khi huyện đề nghị tỉnh thẩm định, phê duyệt phương án thì Sở TN-MT lại đề nghị phải làm rõ kinh phí nên giữa hai bên chưa thống nhất được phương án. Trong thời gian chờ giải quyết các thủ tục, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng theo dõi, truy quét thường xuyên các nhóm người tụ tập vào khai thác trái phép”, ông Trung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.