'Đại công xưởng' giữa rừng

22/03/2019 07:00 GMT+7

Hàng chục cây gỗ có tuổi đời hàng trăm năm tại r ừng phòng hộ Sông Tranh (thuộc lâm phận xã Trà Bui, H.Bắc Trà My, Quảng Nam) bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại tiểu khu 752 (rừng phòng hộ Sông Tranh), trong bán kính chưa đầy 100 m, hàng chục gốc cổ thụ có tuổi đời khoảng 40 năm đến hàng trăm năm bị xẻ lấy gỗ, chỉ còn trơ gốc, bìa gỗ và mùn cưa, nhánh cây. Một lượng lớn gỗ đã được chuyển đi, nhưng hiện trường còn ngổn ngang những phách gỗ, khúc gỗ đường kính từ 60 - 80 cm, dài 2 - 3 m...

Nhiều cây gỗ bị chặt hạ nhựa ứa ra còn tươi rói.
Một người dân lái đò ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 cho hay tình trạng phá rừng phòng hộ Sông Tranh diễn ra trong thời gian khá dài. Lâm tặc dùng trâu kéo gỗ trong rừng ra tập kết tại bìa rừng, sau đó dùng ghe máy loại lớn vận chuyển vượt sông Tranh theo hướng đập chính ra QL40B. Từ đây, có ô tô chờ sẵn để chở đi ngay trong đêm.
Nhiều phách gỗ nằm ngổn ngang giữa rừng già

Quản lý lỏng lẻo

Sau khi tiếp nhận thông tin về việc rừng phòng hộ bị tàn phá, UBND H.Bắc Trà My phối hợp Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam trực tiếp vào hiện trường kiểm tra.
Tận mắt chứng kiến cảnh hàng chục cây cổ thụ bị đốn hạ trơ gốc, ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, nhận định “đây là một vụ phá rừng có quy mô, bài bản, tính chất nghiêm trọng”. Theo ông Vũ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo rất chặt chẽ về công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng do địa bàn quá rộng nên công tác quản lý cũng gặp khá nhiều khó khăn.
“Việc để xảy ra phá rừng một phần cũng do quản lý lỏng lẻo”, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My nhìn nhận và cho rằng để xảy ra phá rừng là lỗi rất nghiêm trọng của cả hệ thống chính trị ở địa phương; đặc biệt là Hạt kiểm lâm và Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ.
“Chúng tôi cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng này. Về mặt chính quyền, theo thẩm quyền sai phạm đến đâu xử lý đến đó, sẽ không có chuyện bao che”, ông Vũ khẳng định.

Phá rừng về làm... đũa ?

Ông Lê Văn Trường, Phó hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My kiêm Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, cho biết xã Trà Bui có diện tích rừng khoảng gần 13.000 ha, trong đó có hơn
9.000 ha là diện tích rừng tự nhiên. Khu vực rừng bị xâm hại nằm ở tiểu khu 752 (thuộc lâm phận xã Trà Bui). Qua kiểm tra, đoàn công tác đã ghi nhận có 20 gốc cây đã bị đốn hạ, trong đó có 2 cây gỗ chò, còn lại là gỗ chuồn với ước tính khoảng hơn 17 m3 gỗ. Trong đó, tại hiện trường vẫn còn hơn 14 m3 gỗ để lại.
Theo ông Trường, các đối tượng phá rừng mục đích lấy gỗ là để làm đũa (!?). Hiện nay trên địa phương có khoảng 5 cơ sở làm đũa để kinh doanh. Ban đầu các cơ sở này đăng ký là làm đũa tre, đũa dừa sau đó chuyển qua làm đũa từ gỗ chuồn.
Cũng theo ông Trường, ngay trong chiều 21.3, lực lượng kiểm lâm đã đến các cơ sở này yêu cầu tạm dừng hoạt động và thu về hơn 1 m3 gỗ chuồn không rõ nguồn gốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.