Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn 4 tỉnh để hỗ trợ nghiên cứu tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, trong đó có vùng “rốn sốt rét” Quảng Nam.
Đỉnh điểm: 24.000 ca bệnh/năm
Quảng Nam luôn “duy trì” vị trí tốp 5 của cả nước về số ca sốt rét, mà hết 90% bệnh nhân tập trung ở 4/10 xã của H.Nam Trà My, nên vùng này được mệnh danh “rốn sốt rét”. Diễn biến dịch sốt rét ở đây cũng phức tạp nhất nước. Giai đoạn 1997-2005, bình quân mỗi năm Quảng Nam có gần 10.000 ca. Vụ khiến dư luận cả nước xôn xao nhất xảy ra hồi năm 1998, khi đó huyện Trà My (cũ) phát hiện 24.000 ca sốt rét với nhiều trường hợp chết người. Có xã bùng phát dịch 2-3 tháng mà cơ quan chuyên môn cấp tỉnh không hề hay biết…
|
Hiện nay, dịch bệnh đã giảm mạnh nhưng có thâm nhập mới hiểu lý do vì sao vùng “rốn sốt rét” vẫn chưa dứt lo. Theo phân tích, yếu tố địa hình (dân cư phân tán), mạng lưới y tế cơ sở yếu kém, đặc biệt là thói quen sinh hoạt “kỳ lạ” của người dân… là những lý do khiến khu vực này luôn nhạy cảm với dịch. UBND tỉnh vừa lo ngại tỉ lệ ngủ màn của đồng bào Xêđăng, Cadong ở đây chỉ đạt 30%, và càng nguy hiểm hơn khi đa số người dân ngủ luôn ngoài rẫy. Thậm chí, sau khi nhận màn chống muỗi cấp phát, đồng bào mang ra suối làm lưới… bắt cá. Chính vì thế, 2 biện pháp cơ bản của ngành chức năng (phun hóa chất, ngủ màn) luôn thất bại.
u lo ở vùng “rốn sốt rét”
Chúng tôi có mặt tại xã Trà Cang ngay kỳ cao điểm của dịch sốt rét (tháng 7). Trong 4 xã trọng điểm dịch ở H.Nam Trà My gồm: Trà Cang, Trà Leng, Trà Tập, Trà Dơn, thì riêng Trà Cang thường chiếm đến 70% số ca sốt rét.
|
Câu chuyện liên hệ bệnh nhân để chữa trị ở đây thật khó tin khi đội ngũ y sĩ phải “đốt đuốc” đi tìm, hiểu theo nghĩa đen. Trần Thị Minh Trang, điều dưỡng 26 tuổi (Trạm y tế xã Trà Cang) thường chọn thời điểm ban đêm để lội đến các nóc xét nghiệm cho người dân, vì ban ngày mọi người ở hết trên rẫy. Điều kiện chữa trị ngày càng tốt hơn, như trang bị que text nhanh Carestart Malaria, chỉ sau khoảng 20 phút là có kết quả, phân biệt được chủng loại ký sinh trùng sốt rét P.Falci (gây sốt rét ác tính) và P.Vivax (khó điều trị). Ở một số xã trọng điểm, hằng tháng trung tâm y tế huyện và cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức kiểm dịch, bổ sung thuốc men đầy đủ... Tuy nhiên, việc điều trị có đúng phác đồ hay không lại là chuyện khác. Ngồi ở trạm y tế Trà Cang ít phút, chúng tôi gặp Phạm Đinh Hạnh (15 tuổi, ở thôn 4) được mẹ dẫn đến xét nghiệm sau khi có dấu hiệu rét run đã 7 ngày. Sau khi thông báo “dính sốt rét rồi đó nghe”, điều dưỡng Minh Trang cho Hạnh uống thuốc ngay và dặn dò rất kỹ, bởi theo chị nếu không làm căng thì bệnh nhân… vứt hết thuốc.
Ông Nguyễn Văn Văn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ Quảng Nam xác nhận cơ quan y tế luôn gặp khó bởi sự tùy hứng trong khâu chữa trị sốt rét của đồng bào vùng cao: “Như với ký sinh trùng P.Vivax, phác đồ điều trị phải hết 14 ngày, nhưng người dân hễ thấy bớt sốt thì vứt thuốc, không thèm uống nữa, không chịu khó điều trị đúng liều”. Mối lo ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc cũng đang treo lơ lửng, nhưng không chỉ có thế. “Chuyên gia nước ngoài từng khẳng định sẽ không thể thanh toán sốt rét nếu chúng ta bỏ sót một mái nhà tranh giữa đại ngàn. Ở vùng “rốn sốt rét” Quảng Nam thì sao? Còn biết bao nhiêu lều dựng giữa rẫy mà lực lượng y tế khó tiếp cận hết để phun hóa chất”, ông Nguyễn Văn Văn thừa nhận.
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Vắc xin mới giảm hơn 70% nguy cơ sốt rét
>> Vắc xin ngừa sốt rét đầu tiên mất hiệu quả sau khi tiêm 4 năm
>> Cách mới tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét
>> Phát hiện mới về bệnh sốt rét
>> Sốt rét kháng thuốc có chiều hướng gia tăng
>> Phát hiện loại ký sinh trùng sốt rét khó tiêu diệt
Bình luận (0)