Đại dịch Covid-19: Chuyên gia nói gì về việc dùng khẩu trang y tế nhiều lần?

09/04/2020 00:07 GMT+7

Thực tế, vì thiếu khẩu trang nên nhiều người phải dùng một cái khẩu trang y tế nhiều lần. Vậy, hãy xem chuyên gia nói gì?

Sự bùng phát của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã khiến khẩu trang bị thiếu trầm trọng, buộc nhiều người phải dùng nhiều lần một cái khẩu trang y tế - mặc dù thực tế là không còn hiệu quả, theo Insider.
Có hai loại khẩu trang phổ biến để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng cả hai đều được thiết kế để chỉ dùng một lần.
Khẩu trang phẫu thuật ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh từ người đeo, và các bác sĩ phẫu thuật thường sử dụng để tránh lây lan mầm bệnh từ họ sang bệnh nhân. Loại khẩu trang này cũng có thể được các bệnh nhân bị bệnh sử dụng để giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh từ các hạt dịch nhỏ bắn ra khi họ ho.
Còn khẩu trang N95 lọc được 95% các hạt dịch do người bệnh bắn ra khi ho, nhằm giúp cho người đeo giảm thiểu sự tiếp xúc với mầm bệnh lây nhiễm. Nhân viên chăm sóc sức khỏe thường đeo loại khẩu trang này để tránh bị nhiễm bệnh khi chăm sóc người bệnh, theo Insider.

Khẩu trang không được thiết kế để tái sử dụng

Cả khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95 đều chỉ được thiết kế để dùng một lần, tiến sĩ Hans Rechsteiner, từ Trung tâm y tế Burnett (Mỹ), cho biết.
"Tôi nghĩ việc làm sạch và tái sử dụng khẩu trang không thể chống được virus Corona", tiến sĩ Rechsteiner nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyên nên vứt bỏ khẩu trang một khi nó bị ẩm do hơi thở của bạn và không bao giờ được sử dụng lại một lần nào nữa, theo Insider.
Vì thiếu khẩu trang, một số nhân viên y tế phải tái sử dụng khẩu trang
Vì thiếu khẩu trang nên nhiều chuyên gia y tế cũng đang phải tái sử dụng khẩu trang hoặc sử dụng một khẩu trang trong suốt cả ngày, thay vì chỉ sử dụng cho một lần khám chữa bệnh.
"Do quá thiếu, khẩu trang đang phải sử dụng ngoài phạm vi hiệu quả của nó", tiến sĩ Shweta Pai, bác sĩ ở Houston, Texas (Mỹ), nói.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra các hướng dẫn sử dụng khẩu trang trong bối cảnh thiếu hụt.
CDC Mỹ không khuyến nghị làm sạch khẩu trang, nhưng khuyến nghị những thực hành sau nế buộc phải tái sử dụng khẩu trang:

1. Chỉ tái sử dụng bởi cùng một người

Khẩu trang phẫu thuật hoặc khẩu trang N95 chỉ nên được sử dụng lại bởi cùng một người, không bao giờ được dùng chung giữa các chuyên gia y tế, theo Insider.

2. Nên kéo dài thời gian sử dụng, hạn chế tháo ra đeo vào nhiều lần

Sử dụng kéo dài thời gian tốt hơn là tháo ra rồi đeo vào nhiều lần. Vì vậy tốt nhất nên đeo khẩu trang suốt cả ngày mà không tháo ra rồi đeo vào lại. Nguyên nhân là vì điều này giảm thiểu số lần người đeo chạm tay vào mặt, có nguy cơ cho phép virus xâm nhập vào cơ thể, theo Insider.
Các hướng dẫn của CDC Mỹ cho rằng không có cách nào để dự đoán khẩu trang được tái sử dụng bao nhiêu lần là còn an toàn, vì vậy các chuyên gia y tế nên tự phán đoán.

3. Cất trong hộp giấy

Khi không sử dụng, khẩu trang tái sử dụng nên được bảo quản trong hộp thoáng khí, như hộp giấy.
Các bác sĩ ở New York đang làm như vậy khi họ chiến đấu với tình trạng thiếu khẩu trang.
Nghiên cứu cho thấy virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch Covid-19 có thể sống trên bề mặt tới 72 giờ. Do đó, tiến sĩ Rechsteiner nói rằng tốt nhất là nên có 3 khẩu trang để xoay vòng, theo Insider.
"Nếu muốn an toàn hơn, hãy sử dụng 3 khẩu trang và xoay vòng hằng ngày, phơi ở nơi thoáng khí cho khô - trong thời gian đó, virus sẽ chết. Vì sự thiếu hụt nghiêm trọng khẩu trang, tôi tin rằng đây là cách an toàn và có thể chấp nhận được", tiến sĩ Rechsteiner nói.

4. Cách sử dụng khẩu trang vải đúng cách

Trong bối cảnh thiếu khẩu trang y tế, nhiều người phải sử dụng khẩu trang vải.
Nghiên cứu cho thấy khẩu trang vải chỉ có hiệu quả bằng 30% so với khẩu trang phẫu thuật trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, nhưng chúng vẫn "làm giảm đáng kể" lượng mầm bệnh lây lan từ người đeo.
Theo WHO, nhiệt độ 56 độ C có thể tiêu diệt virus Corona, vì vậy nếu bạn đang sử dụng khẩu trang vải, hãy cân nhắc giặt nó bằng xà phòng và nước nóng và phơi khô, theo Insider.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.