Đại dịch Covid-19 ‘ghìm’ sức mua, doanh số ô tô tại Việt Nam giảm 33%

12/04/2020 08:58 GMT+7

Bất chấp nỗ lực giảm giá bán ô tô của các nhà sản xuất, đại lý phân phối trong tháng 3.2020, thị trường ô tô Việt Nam vẫn kết thúc quý I năm 2019 với doanh số bán hàng sụt giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng trưởng doanh số bán hàng nhờ các chương trình giảm giá bán ô tô tháng 3.2020 vẫn không đủ sức vực dậy cả thị trường ô tô Việt Nam trong quý I.2020, vốn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
[VIDEO] Xả hàng tồn kho, ô tô giảm giá ‘kịch sàn’

Ô tô giảm giá nhưng chưa đủ để vực dậy sức mua

Theo báo cáo bán hàng vừa được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, trong tháng 3.2020, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA chỉ đạt 19.154 xe. Trong đó, bao gồm 13.071 xe du lịch, 5.711 xe thương mại và 372 xe chuyên dụng. Như vậy, so với tháng 2.2020 thị trường ô tô tiếp tục duy trì mạch tăng trưởng với mức tăng 8% tương đương 1.538 xe.

Tháng 3.2020, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA chỉ đạt 19.154 xe

Ảnh: Trần Hoàng

Kết quả này phần lớn đến từ nỗ lực điều chỉnh chính sách bán hàng của các nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô trong bối cảnh thị trường đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, nhiều mẫu xe mới nâng cấp với mức giá bán thấp hơn mẫu cũ lần lượt được tung ra thị trường trong tháng 3.2020.
Trong đó, riêng hãng xe sang Mercedes-Benz tung ra tới 7 phiên bản bổ sung, cải tiến của các mẫu xe C-Class, E-Class, GLC… Mitsubishi cũng trình làng bản nâng cấp của mẫu sedan hạng B - Attrage với giá thấp hơn mẫu cũ từ 15,5 – 20,5 triệu đồng. Mazda Việt Nam tung ra thị trường bản nâng cấp của Mazda2… Bên cạnh đó, hàng loạt mẫu ô tô được nhà sản xuất, đại lý phân phối chạy đua giảm giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng nhằm kích thích sức mua. Điều này giúp thị trường tiếp tục giữ đà tăng trưởng doanh số tháng thứ 3 liên tiếp, tính từ đầu năm 2020.

Một số hãng xe nỗ lực trình làng bản nâng cấp, mẫu mã sản phẩm mới trong tháng 3.2020

Ảnh: Trần Hoàng

Tuy nhiên, nhìn chung bước tăng trưởng của thị trường ô tô trong tháng 3.2020 chỉ là “cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn”. Bởi nhìn toàn cục, sức mua ô tô tại Việt Nam đang bị “ghìm lại” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tháng 3.2020 đã là tháng thứ 3 liên tiếp doanh số bán hàng của các thành viên VAMA đạt đưới mức 20.000 xe/tháng. Đây là điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2015 đến nay.
Thậm chí, nếu so sánh với cùng kỳ năm 2019, doanh số bán ô tô của các thành viên VAMA giảm tới 41%. Trưởng bộ phận bán hàng của một đại lý Toyota tại Tp.HCM cho biết: “Thời gian qua đại lý không ngừng nỗ lực hạ giá bán cũng như tung ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu. Mức tăng trưởng doanh số trong tháng 3.2020 chủ yếu tập trung ở 3 tuần đầu tháng nhưng so với năm ngoái vẫn giảm mạnh. Tình hình đang ngày càng khó khăn khi sức mua bắt đầu giảm dần từ tuần cuối tháng 3.2020”.

3 liên tiếp doanh số bán hàng của các thành viên VAMA đạt đưới mức 20.000 xe/tháng

Ảnh: VAMA

Doanh số toàn thị trường ô tô giảm 33% trong quý I.2020

Mức tăng trưởng doanh số khá “nhỏ giọt” trong tháng 2 và tháng 3.2020 liên tiếp… vẫn không đủ sức vực dậy cả thị trường ô tô Việt Nam trong quý cả quý I.2020.
Theo báo cáo bán hàng của VAMA, tình đến hết tháng 3.2020 (tức quý I) tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA chỉ đạt 52.557 xe, giảm 33% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe du lịch giảm 35%, xe thương mại giảm 26% và xe chuyên dụng giảm 32% so với cùng kì năm ngoái. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28% trong khi xe nhập khẩu cũng giảm tới 39% so với cùng kì năm ngoái.

Sức mua ô tô giảm, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA chỉ đạt 52.557 xe, giảm 33% so với cùng kì năm ngoái

Ảnh: Trần Hoàng

“Tính từ năm 2015 đến nay, đây là bước chạy đà chậm chạp nhất của thị trường ô tô Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sức mua sụt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị nhưng trệ do dịch bênh Covid-19 bùng phát từ sau Tết Nguyên đán”. – Đại diện một hãng xe Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam chia sẻ.
Số liệu từ VAMA cho thấy, doanh số bán hàng của hầu hết các thành viên thuộc hiệp hội đều sụt giảm trong quý I.2020. Trong đó, Mitsubishi – hãng xe có sự thay đổi mạnh mẽ thiết kế sản phẩm, chiến lược kinh doanh cũng chỉ đạt doanh số bán 5.001 xe trong quý I.2020, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều mẫu mã mới được nâng cấp nhưng doanh số bán của Mitsubishi chỉ đạt 5.001 xe trong quý I.2020, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái

Ảnh: Trần Hoàng

Toyota đạt 13.748 xe, giảm 28%. Tập đoàn Trường Hải (THACO) với một loạt thương hiệu xe du lịch thương mại như KIA, Mazda, Xe tải, xe Bus… vẫn dẫn đầu thị trường nhưng doanh số bán chỉ đạt 16.149 xe, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số Ford Việt Nam đạt 3.883 xe, giảm tới 48%. Honda đạt 5.290 xe, giảm 39%. VinFast tiếp tục không công bố doanh số bán đồng thời thu hồi dữ liệu bán hàng của các dòng xe Chevrolet tại Việt Nam mà không giải thích lý do. Với tình hình hiện tại, VAMA dự báo, lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam chính là lượng xe tồn kho đang dần gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ, trong quý I.2020 chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Điều này phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Lượng ô tô tồn kho ngày càng gia tăng

Ảnh: Trần Hoàng

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất kinh doanh ô tô Việt Nam, sau khi có báo cáo từ VAMA, mới đây Bộ Công thương vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.