Đại dịch trở lại châu Á

18/04/2021 10:00 GMT+7

Tình hình Covid-19 tại nhiều nước châu Á đang ở mức báo động và chính phủ phải siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Không dung thứ

Bộ Y tế Campuchia ngày 17.4 thông báo có thêm 291 ca nhiễm Covid-19, trong đó 228 ca tại thủ đô Phnom Penh. Theo tờ Khmer Times, thêm 1 ca tử vong được ghi nhận tại TP.Sihanoukville, nâng tổng số ca tử vong lên thành 39, trong khi tổng số ca nhiễm đến nay là 5.771. Tính từ đợt bùng phát vào cuối tháng 2, số ca nhiễm đến nay đã tăng gấp 10 lần.
Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng thông báo lực lượng hành pháp sẽ thực thi nghiêm các quy định phong tỏa và không dung thứ với những trường hợp vi phạm. Những người ra khỏi nhà nếu bị bắt sẽ bị tịch thu toàn bộ phương tiện di chuyển, bị phạt tiền và phải hầu tòa.

Thủ tướng Hun Sen ra lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập ở Phnom Penh, Campuchia quyết liệt dập dịch Covid-19

Tuyên bố được đưa ra sau khi Thủ tướng Hun Sen khiển trách tình trạng một số người vẫn không chấp hành quy định phong tỏa tại Phnom Penh và TP.Takhmao. Nhà lãnh đạo cảnh báo nếu tình hình tại Phnom Penh và Takhmao không cải thiện, chính quyền sẽ cân nhắc kéo dài lệnh phong tỏa sau ngày 28.4 và các địa phương khác cũng có thể phải thi hành.
Hôm qua, Campuchia nhận thêm 500.000 liều vắc xin của Hãng Sinovac (Trung Quốc), nhưng cũng thông báo tạm ngừng tiêm chủng cho đến ngày 20.4 mà không nêu rõ lý do.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại Bangkok

Thái Lan, Philippines khốn đốn

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng là một điểm nóng của đại dịch Covid-19 và đang phải chống chọi với làn sóng thứ ba. Số ca nhiễm mới ngày 17.4 là hơn 1.500 ca với 2 trường hợp tử vong, theo tờ Bangkok Post. Người phát ngôn Trung tâm kiểm soát tình hình Covid-19 Taweesilp Visanuyothin cho biết số ca nhiễm trong một tuần qua vượt mốc 10.000 và dịch bệnh đã lây lan khắp thủ đô Bangkok cùng toàn bộ 76 tỉnh. Đáng chú ý, hơn 100 nhân viên y tế tại các bệnh viện đã bị nhiễm Covid-19 vì tiếp xúc với người bệnh. Đa số trường hợp đều do bệnh nhân đến khám chữa bệnh không khai báo thông tin đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 trước đó. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dịch vụ y tế tại các bệnh viện trong bối cảnh Thái Lan gần đây phải sắp xếp thêm giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19.

Khan hiếm nguyên liệu vắc xin

Chủ tịch Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII - hãng sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới) Adar Poonawalla mới đây kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô để giúp gia tăng năng suất sản xuất vắc xin.
SII là nhà cung cấp vắc xin chính cho chương trình COVAX của LHQ nhằm phân phối vắc xin cho các nước nghèo. Tuy nhiên chương trình này gần đây bị cản trở do việc các nước giàu gom hàng, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ trích mạnh mẽ. Theo số liệu của WHO, hơn 832 triệu liều vắc xin đã được tiêm, trong đó hơn 82% là tại các nước thu nhập cao hoặc trung bình cao, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ có 0,2%.
Tính đến hôm qua, tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 3 triệu. Theo AFP, sau một giai đoạn tạm lắng hồi tháng 3, số ca tử vong mỗi ngày đang liên tục tăng và lên mức trung bình 12.000 ca mỗi ngày vào tuần trước.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Philippines, khi nước này còn gần 200.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, mức cao nhất từ khi đại dịch bắt đầu, theo tờ The Philippine Daily Inquirer. Số liệu của Bộ Y tế Philippines cho thấy 68% giường bệnh trong khu chăm sóc đặc biệt trên cả nước đang được sử dụng, riêng tại vùng thủ đô là 84%. Theo phóng sự của báo điện tử Rappler, vùng thủ đô Manila đang đối diện với tình hình nghiêm trọng. Có gia đình toàn bộ thành viên đều bị nhiễm Covid-19 và phải chọn 1 người để điều trị tại bệnh viện đông đúc. “Một vị bác sĩ mô tả việc này giống như trò xổ số vì bệnh nhân chỉ có thể được sắp xếp giường bệnh sau khi một ai đó qua đời”, theo Rappler.

Y tá Philippines tổn thương vì ý định "đổi người lấy vắc xin Covid-19" của chính phủ

Ấn Độ dần tái phong tỏa

Số ca nhiễm tại Ấn Độ đang tăng ở mức “thật sự khủng khiếp”, theo Tổ chức Chữ thập đỏ. Hôm qua là ngày thứ 3 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm, mức kỷ lục của thế giới. Sau khi ban hành đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới trong gần 3 tháng hồi năm 2020, chính phủ Ấn Độ đã dần dỡ bỏ toàn bộ các lệnh cấm từ đầu năm nay và được cho là không muốn tái phong tỏa trên diện rộng vì lo ngại ảnh hưởng kinh tế. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh lây lan mạnh, nhiều thành phố lớn như New Delhi hay Mumbai cùng một số bang đã tái ban hành lệnh phong tỏa.
Đợt bùng phát diễn ra trùng thời điểm diễn ra lễ hội của người Hindu, gây lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan mạnh hơn. Thủ tướng Narendra Modi hôm qua kêu gọi người dân hạn chế đến những nơi đông người và cho rằng kỳ lễ hội nên diễn ra “tượng trưng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.