Mới đây, nhà khoa học Bart Haynes, Giám đốc Viện Vắc xin nhân loại - Đại học Duke (DHVI, Mỹ), cùng các cộng sự đã gọi kỷ nguyên hiện tại là “thời đại đại dịch” bởi thường xuyên bùng phát các bệnh dịch do vi rút từ động vật xâm nhập sang con người.
Cụ thể, chỉ chưa đầy 20 năm, thế giới đã trải qua 3 kỳ bùng phát vi rút Corona: SARS (năm 2003), Mers (2011) và Covid-19 (2019).
Với 3 đợt dịch vừa nói, Việt Nam gần như chỉ phải đối mặt với khó khăn do Covid-19. Quá trình ứng phó Covid-19 đã chỉ ra cơ hội để đổi mới trong cách thức quản lý, giáo dục… nhằm sẵn sàng đối phó các đợt dịch và phát triển bền vững.
Để phòng ngừa bệnh dịch, có những lúc TP.HCM áp dụng quy định mỗi nhà hàng, quán ăn chỉ được phục vụ 20 khách, một nửa công suất... Khi khẩn cấp thì có thể áp dụng như vậy, nhưng về lâu dài thì cần các giải pháp thuyết phục hơn. Bởi không thể nhà hàng rộng 50 m2 với nhà hàng rộng 1.000 m2 lại phải áp vào một công suất phục vụ như nhau. Hay nếu 50% công suất phục vụ thì dựa vào đâu để tính?
Ở nhiều nước, khi cấp phép cho nhà hàng hay quán ăn thì thường kèm theo các chi tiết rất rõ ràng về công suất phục vụ cho từng khu vực dựa trên các tiêu chí như an toàn phòng cháy chữa cháy, cấu trúc khu vực... Nhờ vậy, khi giãn cách xã hội, các nước chỉ cần quy định về tỷ lệ công suất phục vụ sẽ dễ dàng kiểm soát và tạo sự công bằng. Đó là điều chúng ta cần nghiên cứu để tăng cường hiệu quả quản lý.
Chúng ta cũng đã tăng cường kiểm soát việc người dân tuân thủ quy tắc 5K. Kết quả này cần được tạo đà để kiểm soát lâu dài và hiệu quả việc người dân tuân thủ các quy tắc ứng xử văn minh như không xả rác sai quy định, chấp hành luật lệ giao thông…
Tương tự, ở tầm vĩ mô là để hạn chế lây lan dịch bệnh, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, không chỉ với hoạt động kinh tế mà cả hành chính.
Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam cần phát triển hạ tầng lẫn phương thức giảng dạy, giảm dần tầng suất tập trung thi cử kiểu truyền thống. Chúng ta có thể học hỏi cách thức áp dụng công nghệ trong giáo dục mà nhiều nước phát triển đang thực hiện.
Ở đây, áp dụng công nghệ không đơn giản chỉ là khả năng sử dụng thành thạo máy vi tính, ứng dụng sẵn có, mà quan trọng hơn là ứng dụng hiệu quả công nghệ để người học có thể chủ động học mọi nơi, mọi lúc; chủ động tìm tòi học hỏi, tiết kiệm thời gian học lý thuyết; tăng cường thời gian trải nghiệm và hoàn thành chương trình trong một khoảng thời gian phù hợp với năng lực của mỗi cá nhân.
Hay mô hình lớp học đảo ngược (flipped classroom), kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp, được nhiều trường đại học trên thế giới thực hiện giúp phát triển năng lực quan trọng cho người học trong kỷ nguyên số, đồng thời giúp các trường giảm được tỷ lệ giảng viên/sinh viên trong khi chất lượng đào tạo được nâng cao. Người học cần có thời gian để trải nghiệm với nghề trong phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, tại doanh nghiệp... Do đó, tiêu chuẩn diện tích/sinh viên của một trường đại học cũng sẽ không còn như trước đây.
Với các cách thức trên, nếu thành công biến “nguy” là đại dịch Covid-19 trở thành “cơ” (cơ hội) để thay đổi, Việt Nam có thể tạo ra những bước phát triển bền vững, đột phá hơn trong lâu dài.
Bình luận (0)