Không khí rộn ràng, vui như tết
Còn hơn nửa tháng nữa là Tết Nguyên đán 2024, chúng tôi có dịp ghé nhà bà Lệ Mẫn, nằm trong một con hẻm yên bình trên Bến Cần Giuộc (Q.8, TP.HCM). Căn nhà có tuổi đời hơn nửa thế kỷ từ thời của cha mẹ bà, mang đậm phong cách và dấu ấn của một gia đình gốc Hoa.
Thời điểm này, cả gia đình của bà Lệ Mẫn ngồi phía trước nhà, gần chục người quây quần cùng nhau, mỗi người một việc, một khâu để làm nên những hũ củ kiệu, dưa món, kim chi… Căn nhà ấm cúng, rộn ràng với tiếng cười nói vui vẻ của các thành viên khiến ai cũng không thấy mệt, dù khối lượng công việc khá lớn.
Thăm dò ý kiến
Bạn có thích ăn dưa món, củ kiệu ngày tết?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bà Lệ Mẫn tâm sự suốt gần 30 năm qua, cứ dịp Tết Nguyên đán, cả nhà bà lại cùng nhau làm những món tết này để bán, kiếm thêm thu nhập. Nhất là những ngày cuối tuần, tất cả thành viên trong đại gia đình sẽ xúm lại, mỗi người một tay một chân “dồn toàn lực" để có thể sơ chế, phơi, tẩm ướp gia vị, đóng hộp… thực hiện các bước để làm nên những hũ củ kiệu, dưa món hoàn chỉnh kịp bán những ngày cận tết.
Thường, những năm trước, cả nhà bà sẽ làm trong 1 tuần. Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, số lượng món bà làm giảm khoảng 20%, bà chủ cho biết các thành viên làm trong khoảng 4 ngày, dự tính làm 600 - 700 hũ củ kiệu, dưa món lớn nhỏ để bán.
“Năm nay, làm ít lại nhưng cũng hồi hộp lắm, không biết là tình hình buôn bán thế nào. Bán đồ ăn dịp tết là vậy, không biết có trúng hay không. Nhưng tôi nghĩ chỉ cần mình làm bằng cái tâm, uy tín, thì khách sẽ ủng hộ bởi thời điểm này, nhiều khách quen mấy chục năm qua cũng đã gọi hỏi thăm. Có điều, số lượng đặt mua không bằng năm ngoái, chẳng hạn hồi trước người ta mua 2 - 3 hũ, năm nay mua chừng 1 - 2 hũ, tiết kiệm hơn”, người phụ nữ tâm sự.
Sau khi làm nên thành phẩm, bà chủ nhà cho biết dự tính vào ngày 16 tháng chạp (26.1) sẽ bắt đầu bán tại quán ăn chay của mình ở số 29 Đinh Hòa (Q.8). Bà kể thường những năm trước, chừng 28, 29 tết là hết sạch, năm nay thì vô cùng hồi hộp không biết tình hình như thế nào.
Nông dân Ninh Thuận chong đèn xuyên đêm thu hoạch củ kiệu cho mùa tết
"Làm tới khi nào không còn sức thì thôi!"
Mỗi phần kim chi bà Lệ Mẫn bán ra có giá từ 60.000 - 230.000 đồng/hũ, củ kiệu giá 70.000 - 250.000 đồng/hũ tùy khối lượng, kích cỡ. Bên cạnh đó, bà chủ còn làm thêm xá bấu và sa tế bán kèm.
“Cái công việc này nó gắn bó với tôi mỗi khi tết đến, xuân về. Nó không chỉ cho mình thu nhập, có đồng ra đồng vào ngày tết, mà còn là dịp để các chị em, con cháu trong nhà xôm tụ, quây quần cùng nhau, vui lắm. Tôi vẫn sẽ làm tới khi nào không còn sức nữa thì thôi, chứ còn sức thì tết nào cũng làm", bà cười, tâm sự.
[CLIP]: 30 năm đại gia đình ở Chợ Lớn xúm lại làm củ kiệu, kiếm tiền tiêu tết
Kế bên, bà Lê Lệ Lệ (60 tuổi) là em gái của bà Lệ Mẫn tất bật làm công việc thái cà rốt, củ cải trắng làm dưa món. Bà Lệ cho biết mấy chục năm qua, đến hẹn lại lên bà phụ chị mình làm đúng công việc này, riết rồi quen tay, làm nhanh. Bình thường bán gạo ở chợ, dịp tết bà dành thời gian để làm công việc này không chỉ để có thêm thu nhập mà còn là dịp để chị em tâm sự, họp mặt cùng nhau.
Vốn là một nhà sáng tạo nội dung có tiếng trên mạng xã hội về cuộc sống ở Chợ Lớn, Tiểu Nhu, là con gái bà Lệ Mẫn cho biết nhiều năm nay chị có "nhiệm vụ" bán hàng cho mẹ của mình. Cô con gái tâm sự để có thể buôn bán hết sớm, không chỉ gia đình chị bán trực tiếp tại quán ăn của mẹ mà chị còn nhận đơn online.
Bà chủ cho biết vì làm thủ công, các món có thể dùng trong 3 tháng, nếu cho vào tủ lạnh có thể dùng lâu hơn
CAO AN BIÊN
“Từ nhỏ, mình đã thấy cả gia đình quây quần cùng nhau mỗi dịp tết để làm món này. Lớn lên, hình ảnh đó trở thành một ký ức đẹp mà mình trân trọng. Mình biết ơn công việc này không chỉ mang lại cho gia đình kinh tế, mà còn là sự gắn kết và yêu thương giữa mọi người thân trong nhà với nhau. Hy vọng năm nay tình hình buôn bán sẽ tốt, củ kiệu của mẹ lại cháy hàng", chị bày tỏ.
Bình luận (0)