Đại gia đổ nợ, nhiều người vạ lây

24/03/2015 06:00 GMT+7

Sở hữu “khu đất vàng” có giá thị trường hàng trăm tỉ đồng, đại gia mang hợp tác, bán cho nhiều người, cầm cố để vay tiền, dẫn đến mất khả năng chi trả và kéo theo nhiều người vào vòng lao lý.

Sở hữu “khu đất vàng” có giá thị trường hàng trăm tỉ đồng, đại gia mang hợp tác, bán cho nhiều người, cầm cố để vay tiền, dẫn đến mất khả năng chi trả và kéo theo nhiều người vào vòng lao lý.

“Khu đất vàng” đem cầm cố, bán cho nhiều người - Ảnh: Đàm Huy
“Khu đất vàng” đem cầm cố, bán cho nhiều người - Ảnh: Đàm Huy
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 20.3 Cơ quan CSĐT Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố Châu Thị Khoa (52 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần XNK Biên Hòa - Bihimex) về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây chỉ là một mắt xích trong vụ vỡ nợ của một đại gia đất Sài Gòn...
Liên quan đến vụ việc này, ngày 31.7.2014 Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố Tống Thị Bích Loan (nguyên Giám đốc Bihimex) cũng về hành vi nói trên. Loan và Khoa đã cho Công ty cổ phần SX-XNK lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp (Upexim) vay tiền thông qua các hợp đồng mua bán khống, khiến Bihimex thiệt hại 145 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 5.8.2013 cơ quan điều tra bắt tạm giam ông Trương Vui, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Upexim, về hành vi lừa đảo... Vui đã đem “khu đất vàng” (số 4 - 6 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM) bán cho nhiều người, cầm cố ngân hàng, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng kéo theo 2 nữ giám đốc nói trên vào vòng lao lý. Đến nay, cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bổ sung bị can Trương Vui về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đất vàng “giá mềm”
Năm 2002, Upexim được thành lập, trụ sở tại số 4 - 6 Hồ Tùng Mậu với chức năng sản xuất kinh doanh, XNK lâm sản, hàng may mặc, vốn điều lệ 43 tỉ đồng; do ông Vui đại diện pháp luật. Năm 2009, UBND TP chấp thuận chỉ định chuyển nhượng khu đất số 4 - 6 Hồ Tùng Mậu có diện tích 622,30 m2 cho Upexim và đến đầu năm 2011 hoàn tất thủ tục chuyển nhượng với giá 72,8 tỉ đồng. Trước đó, nhiều “đại gia” địa ốc nhòm ngó, sẵn sàng chi hàng trăm tỉ đồng để sở hữu khu đất nói trên nhưng cuối cùng rơi vào tay của Upexim. Chính vì vậy, lúc Upexim vừa được UBND TP chấp thuận chỉ định bán khu đất (chưa hoàn tất thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng nhà ở) đã có hàng loạt công ty địa ốc khá nổi tiếng săn đón ông Vui; thậm chí tranh giành hợp tác đầu tư hoặc mua lại.
Khoảng 1 năm sau khi được chỉ định chuyển nhượng, ông Vui bắt tay vào việc hợp tác đầu tư và khai thác khu đất nói trên với Công ty đầu tư xây dựng thương mại Tr. Theo thỏa thuận, Công ty Tr. góp 50% tương đương 60 tỉ đồng. Để làm tin, ông Vui cung cấp cho Tr. các giấy tờ photocopy liên quan đến chủ trương của UBND TP cho bán chỉ định ngôi nhà; biên bản, nghị quyết, phiếu thăm dò ý kiến cổ đông của Upexim hợp tác với Công ty Tr. Đến tháng 12.2011, việc kinh doanh gặp khó khăn, Upexim quyết định bán tiếp 20% cổ phần cho Công ty Tr. nên công ty này chuyển thêm 24 tỉ đồng, tổng cộng số tiền chuyển cho Upexim là 84 tỉ đồng.
Thế nhưng, trong thời điểm hợp tác làm ăn với Công ty Tr., ông Vui âm thầm đem “khu đất vàng” nói trên bán cho Công ty K.C.X với giá 290 tỉ đồng. Do chưa có giấy tờ, ông Vui và Công ty K.C.X làm hợp đồng hứa mua, hứa bán, với điều kiện bên mua phải đặt cọc 90 tỉ đồng. Từ tháng 1.2011 - 12.2012, Công ty K.C.X đã chuyển cho ông Vui tổng cộng 120 tỉ đồng.
Ngân hàng cũng “dính”
Do khó khăn tài chính, Công ty K.C.X cùng ông Vui thỏa thuận đem giấy tờ khu đất thế chấp ngân hàng vay tiền. Tháng 4.2012, ông Vui và Công ty K.C.X ký vi bằng hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất số 4 - 6 Hồ Tùng Mậu trong thời hạn 6 tháng, sau đó vay ngân hàng 110 tỉ đồng (Công ty K.C.X sử dụng 65 tỉ đồng, số còn lại của ông Vui). Đến giữa năm 2013, các khoản vay này đều quá hạn, trong đó tiền nợ gốc 110 tỉ đồng, tiền lãi quá hạn hơn 10 tỉ đồng.
Tháng 6.2011, ông Vui tiếp tục lấy quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà hình thành trong tương lai tại số 4 - 6 Hồ Tùng Mậu (Q.1), nhà 137 Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), kho chứa hàng ở Bình Dương thế chấp ngân hàng vay 58 tỉ đồng và đến nay đã quá hạn; tổng số tiền gốc lẫn tiền lãi là 66 tỉ đồng...
Theo báo cáo tình hình tài chính của lãnh đạo Upexim, đến tháng 4.2013 Upexim nợ hơn 800 tỉ đồng, tổng tài sản theo giá thị trường tối đa khoảng 350 tỉ đồng, mất cân đối khoảng 450 tỉ đồng. Trước khi bị bắt, ông Vui đã đi vay mượn tiền của bạn bè, người thân để bù đắp vào khoản nợ nhưng như “muối bỏ biển”. Đến nay, nhà cửa của ông Vui đều cầm cố khiến vợ con phải mượn nhà bị kê biên ở tạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.