Chỉ trong khoảng thời gian không dài, doanh nghiệp Thái Lan đã chiếm lĩnh hầu hết các lĩnh vực quan trọng tại VN. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước từ từ rơi vào tay các đại gia đến từ Thái Lan. Các nhà đầu tư Thái mới thực sự là người "khổng lồ" ám ảnh không ít doanh nghiệp nội.
Hàng tiêu dùng Thái thu hút người mua tại các hội chợ - Ảnh: D.Đ.Minh
|
Nắm nhiều ngành thiết yếu
Cuối tháng 7 vừa qua, Tập đoàn SCG Thái Lan công bố thông tin công ty thành viên của tập đoàn là Công ty bao bì nhựa TC đã mua lại thành công 80% cổ phần (CP) Công ty CP bao bì Tín Thành (Batico), và cho biết SCG đang “tích cực mở rộng sản xuất ngành bao bì và củng cố vị trí hàng đầu trong việc cung cấp giải pháp bao bì tại thị trường Đông Nam Á”.
|
Batico hiện là doanh nghiệp (DN) sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lớn tại VN và đã có những khách hàng lớn là các tập đoàn đa quốc gia như: Nestle, Bayer, Henkel, Dupont, CP, Walmart; trong nước có Kinh Đô, Trung Nguyên, Gấu Đỏ, Vifon, Vinamit... Phía nhà đầu tư không tiết lộ con số chính xác, tuy nhiên theo chuyên gia mua bán sáp nhập, giá trị của thương vụ này ước tính khoảng hơn 40 triệu USD.
Thị trường nhựa các loại tại VN được đánh giá là có tiềm năng lớn, trị giá hàng trăm triệu USD và người Thái đã bộc lộ rõ tham vọng chi phối thị trường này qua việc mua lại hàng loạt công ty. Tổng cộng SCG đã đầu tư vào 7 DN VN trong lĩnh vực nhựa với số tiền ước tính hơn 4 tỉ baht (khoảng 121 triệu USD). Năm 2013, công ty con của SCG đã hoàn tất việc thu gom cổ phiếu và nắm CP lớn tại hai DN sản xuất ống nhựa xây dựng lớn của VN (chiếm khoảng 50% thị phần) là Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh. Ngoài ra, SCG hiện nắm giữ CP lớn tại 4 DN chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì… khác tại VN là: Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Nhựa và hóa chất TPC Vina, Chemtech và Vật liệu nhựa Minh Thái.
Tập đoàn này cũng từng “gây bão” trên thị trường vật liệu xây dựng khi thực hiện thành công thương vụ mua lại 85% CP của Công ty CP Prime với giá 240 triệu USD. Báo cáo của SCG tại VN cho thấy, doanh thu riêng quý 1 đạt 131 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó theo nhận định của SMC VN, phần lớn doanh thu đến từ kinh doanh gạch men.
Trong ngành thức ăn chăn nuôi, hiện C.P (Thái Lan) có 8 nhà máy, gồm 4 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản và 1 nhà máy sấy ngô. Với “cơ ngơi” như vậy, không lạ khi C.P hiện đang là đại gia số 1 “oanh tạc” thị trường thức ăn chăn nuôi tại VN. Không có con số thống kê chính xác trên từng địa bàn nhưng hiện C.P chiếm thị phần khá lớn đối với nguồn thịt, trứng cung cấp cho cả nước, khoảng 50% thị phần trứng gà, 30% thịt gà và 7% thịt lợn trên toàn thị trường VN.
Đến nay, đa phần các dự án đầu tư tại VN, kể cả trực tiếp và gián tiếp, các DN Thái Lan đã bắt đầu hoặc đang trong quá trình chi phối từ kinh doanh vật liệu xây dựng (gạch men), nhựa, bao bì, đến thức ăn chăn nuôi, chế biến gia cầm.
Âm thầm thâu tóm
Điều đáng nói là đằng sau sự bành trướng của đại gia Thái cũng đồng nghĩa với sự gục ngã của không ít đại gia Việt và không ít ngành sản xuất bị thâu tóm.
Hồi đầu năm, sự kiện Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim với chuỗi bán lẻ điện máy nổi tiếng Nguyễn Kim bán 49% CP cho DN Thái Lan khiến thị trường bán lẻ điện máy VN rúng động. Đến nay, nhiều người vẫn không tin một DN đang trên đà phát triển mạnh mẽ như Nguyễn Kim lại chấp nhận bán đi một nửa cho nước ngoài. Cụ thể, PowerBuy, công ty con của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) chuyên về bán lẻ điện máy, tiếp quản một phần Nguyễn Kim và cử đại diện làm tổng giám đốc điều hành (ông Philippe Broianigo cũng là Tổng giám đốc điều hành Central Group VN). Hiện Nguyễn Kim đang có 21 siêu thị điện máy ở VN và với thương vụ mua bán cùng Central Group, Nguyễn Kim được chờ đợi sẽ mở rộng hơn nữa ở thị trường trong nước nhờ vào nguồn lực tài chính lớn mạnh của đại gia Thái. Thông qua Nguyễn Kim với khoản tiền khoảng 200 triệu USD (tương đương 49% CP), Central Group đã ngay lập tức có một thị phần điện máy không dưới 20% mà Nguyễn Kim đang chiếm lĩnh để dễ dàng hơn khi tiến vào VN.
Có một điều khá khác biệt so với các nhà đầu tư nước ngoài khác tại VN, khi DN Thái ưa chuộng kênh mua bán sáp nhập gián tiếp hơn là trực tiếp. Rất nhiều trường hợp âm thầm thâu tóm khác khiến đối phương ngã ngửa vào phút chót. Chẳng hạn thương vụ bất thành mua lại Metro Cash & Carry 890 triệu USD gây sóng gió hồi năm ngoái; đàm phán mua CP Sabeco hay đầu tư cổ phiếu ở Vinamilk; thâu tóm vật liệu xây dựng Prime; mua CP Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh. Trong lĩnh vực bán lẻ có thương vụ đình đám khi Tập đoàn Berli Jucker (BJC), đồng thời là DN đàm phán mua lại Metro, mua 49% CP trong hệ thống 42 cửa hàng bán lẻ FamilyMart của DN Nhật Bản tại VN. Sau khi mua lại, thị trường xuất hiện chuỗi cửa hàng tiện lợi mới có tên B’s mart mang hình ảnh của DN Thái.
Một chuyên gia tư vấn đầu tư, phụ trách vùng châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn tư vấn đầu tư Robenny (Canada) nhận định: Các ông chủ tập đoàn tài chính Thái đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường 90 triệu dân Việt và đó là mục tiêu thôi thúc họ sớm nhảy vào VN để chiếm lĩnh một số ngành hàng “khóa” của thị trường này. Ông Nguyễn Nam Sơn, sáng lập và Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), khẳng định: “Người Thái đang rất nhiều tiền và việc tìm kiếm chiếm lĩnh thị trường bên ngoài để tăng sức mạnh trong nước lẫn thị trường quốc tế là chiến lược đã được các đại gia này “quán triệt” từ 5 - 10 năm về trước”. Ông Sơn cũng dự báo “người khồng lồ” đến từ Thái Lan vẫn đang miệt mài tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư sang VN qua nhiều thương vụ mua bán sáp nhập sắp tới.
Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược DN, nhận định không chỉ với lĩnh vực tiêu dùng mà các lĩnh vực sản xuất lớn như: nguyên vật liệu xây dựng, năng lượng, phân phối... người Thái với tài lực mạnh, quyết tâm chi phối thị trường VN, họ rất dễ thành công. Chắc chắn DN VN rất khó đỡ và lâu dần trên bản đồ sản xuất của VN sẽ khuyết dần một số ngành hàng chủ lực và mất hẳn thị trường. Điều này mới là mối nguy hiểm về lâu dài.
Bình luận (0)