'Đại gia' Thái thâu tóm thị trường Việt - Kỳ 2: Sân nhà đãi khách

12/08/2015 05:54 GMT+7

Hàng Thái giá rẻ, chất lượng tốt thâm nhập một cách mạnh mẽ đang đặt doanh nghiệp Việt trước bài toán cạnh tranh rất chật vật.

Hàng Thái giá rẻ, chất lượng tốt thâm nhập một cách mạnh mẽ đang đặt doanh nghiệp Việt trước bài toán cạnh tranh rất chật vật.

'Đại gia' Thái thâu tóm thị trường Việt:: Sân nhà đãi kháchHàng Thái Lan được lùng mua tại hội chợ ở VN - Ảnh: D.Đ.M
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (Q.8, TP.HCM), chuyên “đánh” hàng thời trang từ Thái về VN gần chục năm nay, cho biết kiểu dáng áo quần Thái thay đổi liên tục và chất lượng cũng hơn hẳn hàng Việt mua tại các shop thời trang, trung tâm thương mại.
Không chỉ thế, hàng Thái rẻ hơn hàng VN cùng chủng loại tầm 30 - 35%... Chẳng hạn, với cùng loại áo voan bán cho giới văn phòng, nếu các shop thời trang lấy sỉ tại chợ An Đông từ 95.000 - 110.000 đồng/chiếc thì tại các chợ sỉ của Thái Lan khoảng 65.000 - 80.000 đồng. “Nếu tôi tính luôn cả các chi phí sang Thái mua hàng thì giá sản phẩm vẫn rẻ hơn khi mua tại VN mà chất lượng vải tốt hơn rất nhiều”, chị Trinh nói và cho biết, cứ mỗi 2 tháng, chị sang Thái “đánh” hàng một lần.
Bủa vây người tiêu dùng
Nhập siêu  2,1 tỉ USD từ Thái
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, VN nhập khẩu 3,75 tỉ USD hàng hóa của Thái Lan. Những mặt hàng thực phẩm mà VN nhập khẩu có kim ngạch cao như rau quả (79 triệu USD), sữa và sản phẩm sữa (38 triệu USD), ngô (17 triệu USD), bánh kẹo (16 triệu USD), thủy sản (6 triệu USD)... Ngoài ra còn có hàng loạt mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch trên 100 triệu USD điện gia dụng (374 triệu USD), máy móc thiết bị (346 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (171 triệu USD), vải các loại (107 triệu USD), nguyên phụ liệu dệt may (104 triệu USD)... Trong khi đó, VN xuất khẩu vào Thái 1,65 tỉ USD. Như vậy, nhập siêu từ Thái Lan 2,1 tỉ USD.
Chị Trinh chỉ là một trong hàng trăm thương nhân VN đến Thái mua hàng về bán. Còn nhiều công ty nhập hàng quy mô lớn và hàng chục hội chợ chuyên đề hàng Thái tổ chức ở VN suốt nhiều năm. Đặc biệt, thông qua hệ thống phân phối, bán lẻ ngày càng mở rộng mà người Thái dày công thiết lập đã giúp sức cho hàng hóa nước này chiếm lĩnh thị trường nội địa. Nhưng đáng lo ngại hơn là nhiều doanh nghiệp Thái đã và đang thiết lập cơ sở sản xuất tại VN và đây mới thực sự là nguy cơ lớn với các nhà sản xuất trong nước. Bởi hàng nhập đã rẻ hơn thì hàng sản xuất trong nước chắc chắn giá còn cạnh tranh hơn nữa.
Trên thực tế, hàng Thái đã hiện diện ở hầu hết các kênh phân phối ở VN. Tại các hệ thống siêu thị như Lotte Mart, Big C, Co.op Mart, Satra Mart... không khó để tìm mua dầu gội, sữa tắm, hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, điện gia dụng có xuất xứ từ Thái Lan. Không tính những cửa hàng, siêu thị của người Thái như B's mart, Robins. Thậm chí, có nhiều quầy kệ chuyên “trị” hàng xuất xứ từ các nước châu Á tại siêu thị Aeon (Nhật) ở Q.Tân Phú, nhiều mặt hàng “made in Thailand” cũng chiếm khá áp đảo trên các quầy kệ.
Đó là chưa kể, có rất nhiều trang mạng, tài khoản mạng xã hội chuyên bán hàng Thái với giá rẻ. Rồi thì dịch vụ mua giúp hàng Thái Lan để chuyển về VN cho các chủ cửa hàng VN không có thời gian và chi phí đi Thái. Khách hàng chỉ cần lựa chọn sản phẩm và gửi yêu cầu cho công ty ở Thái Lan, có cả văn phòng VN. Công ty mua, đóng gói và chuyển hàng về VN bằng cả đường hàng không và đường bộ, giao tận nhà.
Có thể thao túng thị trường
Các sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã phủ hầu hết tại các chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu khác. Đơn cử hàng điện tử, điện lạnh chiếm đến 70% thị phần, trái cây có xuất xứ từ Thái chiếm khoảng 40% thị phần.
Chuyên gia Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny (khu vực châu Á và Mỹ), dự báo: Trước cơn lốc hàng Thái, một số ngành hàng của VN sẽ biến mất và trong đó có không ít ngành hàng đã từng là thế mạnh của. Chẳng hạn, về nông nghiệp, VN đang thua Thái Lan rất nhiều cho dù trái cây của Thái có vị không ngon đậm đà bằng trái cây Việt. Song trái cây Thái ngày nay được nhiều thị trường yêu chuộng do hình thức đẹp đều, chất lượng ổn định và không bị lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Điều này có được nhờ nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới bỏ ra hàng triệu USD để đầu tư nghiên cứu tại Thái Lan, biến vùng này thành trung tâm nghiên cứu tại châu Á. VN đang nỗ lực phát triển nông nghiệp theo các chuẩn Global Gap, Vietgap... song việc tuân thủ còn thiếu tính đồng nhất hoặc quá chú trọng làm các chuẩn này để xuất khẩu là chính, còn bỏ lơ là thị trường nội địa.
“An toàn thực phẩm của VN ngay trong nước vẫn còn bị “mang tiếng” rất nhiều, trong khi nhiều sản phẩm trái cây biến đổi gien của Thái, cho dù có nhiều “điều ra tiếng vào” rằng không nên quá lạm dụng, vẫn được yêu chuộng và bán tốt tại thị trường VN. Như vậy, nỗ lực xây dựng các chuẩn của chúng ta để đưa hàng đi ra, lại bỏ quên mất thị trường trong nước”, ông Robert Trần phân tích.
TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, phân tích khi một doanh nghiệp nước ngoài chiếm được thị phần lớn tại VN thì tất yếu các doanh nghiệp trong nước phải chịu cảnh teo tóp. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là khi họ vừa “nắm” thị phần lớn và chủ động trong phân phối bán lẻ, họ sẽ kiểm soát hoặc thao túng thị trường. Khi đó, họ có sức mạnh để quyết định mọi thứ, có thể dẫn tới độc quyền, để ép người tiêu dùng.
“Không còn con đường nào khác là doanh nghiệp VN phải tự lớn lên, chủ động trên thị trường sân nhà của mình, khẳng định bằng năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn và giá thành rẻ hơn”, ông Ngãi nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.