Nhìn lại thị trường lao động TP.HCM 2024

Đại học có còn là ‘tấm vé vàng’ trên thị trường lao động?

30/12/2024 05:11 GMT+7

Trong năm qua, ở TP.HCM có khoảng 70% người lao động đi tìm việc có bằng đại học trở lên, tuy nhiên chỉ có hơn 20% số công việc tuyển trình độ này.

70% người lao động tìm việc có trình độ đại học trở lên

Ngày 30.12, theo kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) với 165.333 người lao động, có tới 99,13% người tìm việc đã qua đào tạo.

Trong đó, có 115.832 người (70,06%) tìm việc có trình độ đại học trở lên, 22.254 người (13,46%) có trình độ cao đẳng, 19.741 người (11,94%) có trình độ trung cấp, và 6.068 người (3,67%) có trình độ sơ cấp.

Người lao động trẻ tìm hiểu thông tin tuyển dụng ở một sàn giao dịch việc làm tại TP.HCM

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng ở một sàn giao dịch việc làm tại TP.HCM

ẢNH: THU NGÂN

Đa số người lao động tìm việc ở một số vị trí như quản lý điều hành; nhân viên kiểm soát nội bộ; quản lý dự án; nhân viên kiểm soát nội bộ; quản lý sản xuất; nhân viên bán hàng; quản lý đơn hàng; kinh doanh; giám sát bán hàng; nhân viên thu mua; quản lý cửa hàng; nhân viên văn phòng; nhân viên tuyển dụng; nhân viên kế toán; nhân viên marketing; nhân viên nghiên cứu thị trường; nhân viên thiết kế website; kiến trúc sư; quản lý kho.

Xem bảng nhu cầu tìm việc theo cơ cấu trình độ chuyên môn ở TP.HCM năm 2024 dưới đây (Nguồn: Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM):

STTChỉ tiêuNhu cầu tìm việc (người)Tỷ lệ (%)
Tổng cộng:165.333100
1Đại học trở lên115.83270,06
2Cao đẳng22.25413,46
3Trung cấp19.74111,94
4Sơ cấp6.0683,67
5Lao động chưa qua đào tạo1.4380,87

Chỉ 20% công việc cần ứng viên trình độ đại học trở lên

Trong năm 2024, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng khảo sát nhu cầu tuyển dụng với 64.126 lượt doanh nghiệp với 318.731 vị trí việc làm (một vị trí có thể tuyển nhiều lao động), qua đó phân tích doanh nghiệp có 275.925 vị trí cần tuyển người lao động đã qua đào tạo, chiếm 86,57% tổng nhu cầu nhân lực.

Các ngành nghề cần nhiều nhân lực đã qua đào tạo tập trung vị trí quản lý điều hành; nhân sự; tài chính - tín dụng - ngân hàng; cơ khí - tự động hóa; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; y - dược; giáo dục - đào tạo; công nghệ thông tin; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; kế toán - kiểm toán; kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản.

Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực được phân bổ khá đồng đều. Cụ thể, đối với trình độ đại học trở lên cần 65.531 vị trí (chiếm 20,56%); cao đẳng cần 56.989 vị trí (17,88%); trung cấp cần 59.890 vị trí (18,79%); sơ cấp cần 93.515 vị trí (chiếm 29,34%).

Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông cần 42.806 vị trí, chiếm 13,43% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kinh doanh thương mại; dệt may - giày da.

Xem bảng nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật ở TP.HCM năm 2024 dưới đây:

STTChỉ tiêuNhu cầu nhân lực (vị trí làm việc)Tỷ lệ (%)
Tổng cộng:318.731100
1Đại học trở lên65.53120,56
2Cao đẳng56.98917,88
3Trung cấp59.89018,79
4Sơ cấp93.51529,34
5Lao động phổ thông42.80613,43

Doanh nghiệp cần lực lượng lao động có đa dạng về trình độ

Trong năm qua, trung tâm cũng khảo sát tình hình sử dụng lao động tại 17.500 doanh nghiệp với 475.818 người lao động đang làm việc. Qua đó, nhận thấy có khoảng 74,32% là lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Kế đến là lao động gián tiếp với tỷ lệ 17,02% và lao động quản lý với tỷ lệ 8,66%.

Hầu hết các doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng và sử dụng lao động đã qua đào tạo, nhưng cũng cần một lực lượng lao động đa dạng về trình độ để đáp ứng các yêu cầu công việc khác nhau, đảm bảo hiệu quả hoạt động và tăng khả năng cạnh tranh.

Kết quả khảo sát cho thấy người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp có trình độ sau đại học chiếm 1,32%; đại học chiếm 39,63%; cao đẳng chiếm 17,93%; trung cấp chiếm 12,98%; sơ cấp chiếm 8,98% và lao động phổ thông chiếm 19,16%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.