Trong đêm 29.4, sáng 30.4, những người biểu tình đã đập vỡ cửa sổ và tiến vào Hội trường Hamilton nằm trong khuôn viên Đại học Columbia ở thành phố New York (Mỹ). Tại đây, họ giăng biểu ngữ ghi "Hội trường Hind", tượng trưng cho việc đổi tên tòa nhà theo tên một em bé Palestine 6 tuổi thiệt mạng trong cuộc tấn công của quân đội Israel ở Gaza, theo Reuters.
"Các sinh viên chiếm giữ tòa nhà sẽ phải đối mặt với việc bị đuổi học", nhà trường cho biết trong một tuyên bố ngày 30.4, theo AFP. Tuyên bố nói rằng những người biểu tình đã được trao "cơ hội rời đi một cách hòa bình" nhưng thay vào đó họ lại từ chối và làm tình hình leo thang.
Cảnh sát xông vào Đại học Columbia dẹp biểu tình ủng hộ Palestine
Vào tối 30.4, cảnh sát thành phố New York đã tiến vào khuôn viên Đại học Columbia trong một nỗ lực có vẻ như nhằm giải tán những người biểu tình ủng hộ Palestine, theo Reuters.
Trong một cuộc họp báo được tổ chức vài giờ trước đó, Thị trưởng New York Eric Adams và giới chức cảnh sát thành phố cho biết việc chiếm giữ Hội trường Hamilton là do "những kẻ kích động bên ngoài" xúi giục. Theo các quan chức, những người này không có bất kỳ liên kết nào với Đại học Columbia và được cơ quan thực thi pháp luật biết đến với việc kích động tình trạng vô luật pháp.
Ngôi trường danh tiếng - một trong các trường Ivy League ở Mỹ - trước đó đã bắt đầu đình chỉ học tập tạm thời đối với các sinh viên không tuân thủ lệnh giải tán. Trong tuyên bố mới nhất, Đại học Columbia cho biết họ đã thể hiện lập trường "rất rõ ràng" rằng nhà trường sẽ không tha thứ cho các hành vi gây rối lặp đi lặp lại của người biểu tình vi phạm nội quy.
"Tiếp tục làm như vậy sẽ phải nhận những hậu quả rõ ràng. Người biểu tình đã chọn cách làm cho tình hình leo thang đến mức không thể biện hộ được - phá hoại tài sản, phá cửa ra vào và cửa sổ, phong tỏa các lối vào - và chúng tôi đang thực thi những biện pháp mà chúng tôi đã vạch ra ngày hôm qua", nhà trường cho hay.
Phong trào biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở ở Gaza, nơi hàng trăm nghìn dân thường Palestine đã thiệt mạng kể từ ngày 7.10.2023, đã đặt ra thách thức đối với lãnh đạo các trường đại học tại Mỹ. Israel và những người ủng hộ nước này cho rằng các cuộc biểu tình mang tính chất bài Do Thái, trong khi phe biểu tình nói cáo buộc này nhằm bịt miệng những người phản đối cuộc chiến, ngăn chặn quyền tự do ngôn luận.
Đại học Columbia được xem là tâm điểm của các cuộc biểu tình phản chiến trong 2 tuần qua, với hàng loạt sinh viên dựng lều ngay giữa khuôn viên trường. Tình trạng bất ổn đã nhanh chóng lan rộng ở các cơ sở giáo dục bậc cao từ Bờ Đông sang Bờ Tây nước Mỹ, sau khi khoảng 100 người biểu tình lần đầu tiên bị bắt tại Đại học Columbia vào ngày 18.4.
Đại học Columbia khẳng định việc đe dọa đuổi học và các phản ứng khác là nhằm vào hành động của những người biểu tình chứ không nhằm vào lý lẽ của họ.
Người biểu tình đang đặt ra 3 yêu cầu đối với ban lãnh đạo Đại học Columbia: thoái vốn khỏi các công ty hỗ trợ chính phủ Israel, minh bạch hơn về tài chính của trường, cũng như ân xá cho các sinh viên và giảng viên bị kỷ luật trong các cuộc biểu tình.
Ứng viên tổng thống Mỹ bị bắt trong cuộc biểu tình phản đối xung đột Gaza
Mỹ là đồng minh chủ chốt của Israel và cung cấp viện trợ quân sự cho nước này trong cuộc chiến ở Gaza. Cuộc chiến đã dẫn đến làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine tại Mỹ cũng như trên toàn cầu. Song các cuộc biểu tình phản chiến giờ đây có thêm màu sắc chính trị trong bối cảnh cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn quyết định.
Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích việc người biểu tình chiếm giữ Hội trường Hamilton ở Đại học Columbia, tòa nhà từng nổi tiếng với phong trào biểu tình của sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam vào những năm 1960. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã gọi các cuộc biểu tình trong 2 tuần qua là hành động "khủng bố" và kêu gọi hiệu trưởng Minouche Shafik của Đại học Columbia từ chức.
Bình luận (0)