Tư tưởng Tập Cận Bình, với tên gọi đầy đủ “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, được đưa vào điều lệ đảng tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hôm 24.10, đánh dấu Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo CPC đương nhiệm thứ hai nhận được vinh danh này, chỉ sau Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Kể từ khi đại hội 19 kết thúc đến nay đã có ít nhất 20 trường đại học ở Trung Quốc lập viện nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình nhằm đưa học thuyết này vào mọi mặt đời sống hằng ngày.
“Chúng tôi sẽ tập hợp nhiều chuyên gia, giáo sư để phổ biến và thuyết giảng "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" trong các chương trình học, vùng và nông thôn”, ông Giang Hồng Tân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình do Đại học Sư phạm Hồ Nam mới thành lập nói với tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của CPC.
Tương tự, Giáo sư Trần Tiên Đạt thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho tờ Quang Minh nhật báo hay trung tâm mới thành lập có nhiệm vụ đưa tư tưởng Tập Cận Bình đến với sinh viên.
Một khẩu hiệu kêu gọi phổ biến tư tưởng Tập Cận Bình trên phố ở Bắc Kinh AFP
|
Một viện trưởng liên quan cũng nhấn mạnh việc Đại học Nhân dân Trung Quốc lập trung tâm nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình sẽ “hướng dẫn toàn bộ nhà trường trong việc thực hiện tinh thần của đại hội 19”.
"Các bài học về tư tưởng này phải đi vào trái tim và tâm trí chúng ta", Bí thư đảng bộ Học viện Đông Hồ Vũ Hán Chu Khải Hồng tuyên bố với Nhân Dân nhật báo.
Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Trần Bảo Sanh cho hay tư tưởng Tập Cận Bình "sẽ được đưa vào sách giáo khoa, lớp học và tâm trí của học sinh, sinh viên".
Bình luận (0)