Chiều 26.11, tại Hải Phòng, Bộ KH-CN và UBND TP.Hải Phòng tổ chức diễn đàn chính sách cấp cao về khởi nghiệp sáng tạo "Từ địa phương ra quốc tế". Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam năm 2024. Tại diễn đàn, vai trò của trường đại học với hệ sinh thái khởi nghiệp là một trong những nội dung được các diễn giả tập trung thảo luận. Thực trạng đại học Việt Nam yếu trong giải quyết vấn đề thực tiễn cũng được phân tích.
Đại học Việt Nam yếu về khả năng bám sát nhu cầu thị trường
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, với TP.HCM, một địa phương năng động và có nhiều trường đại học, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn có nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là khả năng hợp tác, sự bám sát nhu cầu thị trường từ khu vực trường đại học, viện nghiên cứu hiện còn rất yếu. Cơ sở vật chất (phục vụ cho việc nghiên cứu) của trường đại học cũng rất thiếu thốn.
"Chúng ta tập trung quá nhiều cho câu chuyện đào tạo, nặng chuyện học lý thuyết… Còn gắn kết để giải quyết vấn đề thực tiễn của xã hội, của thị trường thì hiện nay các trường đại học còn yếu. Các hoạt động nghiên cứu của mình, để có nhiều kết quả chuyển giao, biến thành công nghệ và chuyển giao được hiện vẫn còn yếu. Vai trò của các trường đại học với các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện còn hạn chế", ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, chính quyền TP.HCM cũng nhận thấy vấn đề lõi để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là làm sao kết nối được các thành phần của hệ sinh thái: trường đại học/viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà nước.
Vì thế, TP.HCM đang triển khai đồng thời các chương trình mà trong đó các giải pháp đều hướng tới tác động trực tiếp vào việc phát triển nghiên cứu khoa học của trường đại học/viện nghiên cứu.
Chẳng hạn như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khi có hợp tác nghiên cứu phát triển với trường đại học; hoặc chương trình thúc đẩy thương mại hóa các nghiên cứu của các trường đại học thông qua sàn giao dịch công nghệ TP.HCM cũng như các sự kiện đổi mới sáng tạo mở; hoặc hỗ trợ thúc đẩy các trường đại học ở TP.HCM phát triển theo mô hình đại học khởi nghiệp; hoặc chính sách giúp các trường đại học hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh...
Bài học từ "thung lũng Silicon của châu Á"
Tại diễn đàn, ông Park Dae Hee, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo của TP.Daejeon (Daejeon CCEI), cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm để giúp địa phương này trở thành "thung lũng Silicon của châu Á", là một trong những vùng phát triển kinh tế trọng điểm của Hàn Quốc.
Theo ông Park, trên địa bàn TP.Daejeon hiện có 26 trung tâm nghiên cứu do nhà nước quản lý, hơn 200 trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học. Nhưng để được như hôm nay là một hành trình nỗ lực xây dựng môi trường thân thiện với khởi nghiệp và nghiên cứu sáng tạo.
Trước hết, Daejeon CCEI thường xuyên mời các nhà nghiên cứu, các giáo sư ở các trường đại học đến giảng bài, trao đổi về các vấn đề thời sự của khoa học công nghệ. Mỗi khi địa phương nảy sinh các vấn đề nổi cộm, các nhà nghiên cứu lại được mời đến để cùng địa phương và các doanh nghiệp cùng nghiên cứu tìm giải pháp. Mỗi viện, trường đều có nhiệm vụ và chức năng riêng, nhưng dưới sự điều phối của Daejeon CCEI thì tất cả đều có một đích hướng tới là giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP.Daejeon nói riêng và của Hàn Quốc nói chung.
Đặc biệt, Daejeon CCEI điều phối, xây dựng một một chương trình dành cho các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp được thực tập tại các doanh nghiệp. Sau khi tham gia chương trình, sinh viên có được kỹ năng làm việc trong thực tế và kiến thức chuyên môn sâu để sau khi tốt nghiệp thì nhanh chóng hòa nhập với công việc trong tương lai.
"Một trong những thành công của chúng tôi trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là phát triển sự hợp tác giữa các đơn vị, giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, với trung tâm và các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước về khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp", ông Park Dae Hee nói.
Bình luận (0)