Nghị quyết nhận được 143 phiếu thuận, 25 phiếu trắng và 9 phiếu chống - trong đó có Mỹ và Israel. Nghị quyết chỉ công nhận Palestine đủ điều kiện tham gia LHQ. Để chính thức trở thành thành viên, Palestine phải được Hội đồng Bảo an (HĐBA) và Đại hội đồng phê chuẩn.
Nghị quyết ngày 10.5 có nội dung Palestine nên được kết nạp và khuyến nghị HĐBA LHQ "xem xét lại vấn đề một cách thuận lợi". HĐBA hồi tháng 4 đã phủ quyết dự thảo kết nạp Palestine. Nếu vấn đề này tiếp tục được đưa ra, nhiều khả năng kịch bản cũ sẽ lặp lại, đó là lá phiếu phủ quyết của Mỹ - thành viên thường trực của HĐBA.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ủng hộ nỗ lực gia nhập của Palestine
Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nói rằng các biện pháp đơn phương tại LHQ và trên thực địa sẽ không giúp thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. "Lá phiếu của chúng tôi không phản ánh rằng chúng tôi phản đối nước Palestine. Thay vào đó, giải pháp hai nhà nước sẽ chỉ đến từ quá trình bao gồm những cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên", ông nói.
Nghị quyết mà Đại hội đồng thông qua ngày 10.5 sẽ trao cho người Palestine một số quyền và đặc quyền - bao gồm được ngồi cùng các thành viên trong Đại hội đồng, đưa ra các đề xuất - nhưng không thể bỏ phiếu. Palestine là quan sát viên tại LHQ kể từ năm 2012.
"Lá phiếu đồng ý là lá phiếu cho sự tồn vong của người Palestine, nó không chống lại bất kỳ nhà nước nào. Đây là đầu tư cho hòa bình", Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour nói trước khi diễn ra bỏ phiếu.
Trong khi đó, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan chỉ trích Đại hội đồng đã "xé bỏ" Hiến chương LHQ, vì Israel không cho rằng Palestine là "nhà nước yêu hòa bình" để được xét duyệt tham gia theo tinh thần hiến chương. Khi phát biểu ngày 10.5, ông đã mang theo máy hủy giấy cầm tay và hủy những trang sổ tay Hiến chương LHQ. Trong ngày 6.5, ông Erdan nói rằng Mỹ nên cắt tài trợ cho các cơ quan LHQ nếu Đại hội đồng thông qua nghị quyết trên.
Luật pháp Mỹ cấm tài trợ cho bất kỳ cơ quan nào của LHQ nếu cơ quan đó công nhận thành viên đầy đủ cho một vùng lãnh thổ không được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập. Trường hợp này đã xảy ra vào năm 2011, khi Mỹ cắt tài trợ cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), sau khi Palestine tham gia làm thành viên.
Bình luận (0)