Hội đồng Chứng minh, Hội đồng trị sự GHPGVN cho biết, do tuổi cao, sức yếu, Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm đã viên tịch vào ngày 18.1.2022 (nhằm 16 tháng Chạp năm Tân Sửu) trụ thế: 98 năm, hạ lạp (thời gian công đức tu hành) 78 năm.
Trước khi viên tịch, Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm là Đức Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình; Nguyên ủy viên Hội đồng Trị sự; Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình; Chứng minh Tổ đình Kim Liên; Tổ đình Hàm Ân; Tổ đình Yên Định; Viện chủ chùa Hòa Lạc (H.Kim Sơn, Ninh Bình).
Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN |
GHPGVN |
Lễ nhập kim quan chính thức cử hành vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 19.1.2022 (ngày 17 tháng Chạp năm Tân Sửu). Kim quan được tôn trí tại chùa Hòa Lạc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Lễ viếng chính thức từ 15 giờ ngày 19.1.2022 đến hết ngày 20.1.2022 (từ ngày 17 đến ngày 18 tháng Chạp năm Tân Sửu).
Lễ truy điệu được cử hành lúc 7 giờ 30 phút ngày 21.1.2022 (ngày 19 tháng Chạp năm Tân Sửu), sau đó cung thỉnh kim quan Đại lão Hòa thượng nhập Bảo tháp trong khuôn viên chùa Hòa Lạc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam viếng Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm |
Báo Giác ngộ |
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Phó Pháp chủ GHPGVN Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm đối với Đạo pháp và dân tộc, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh quyết định tổ chức lễ tang theo nghi thức cấp cao của GHPGVN. Trung ương GHPGVN cũng đã thành lập Ban Lễ tang gồm 26 thành viên do Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng đứng đầu.
Tiểu sử Đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Đàm (1924 - 2022)
Theo văn bản do Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình cung cấp đến Báo Giác Ngộ, Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, thế danh là Phan Văn Phàn sinh năm 1924 (tức năm Giáp Tý) tại thôn Kim Định, xã Kim Định, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thân phụ là cụ ông Phan Văn Kỳ, tự Nguyên Đạo; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Âu hiệu Diệu Giáo, song thân của ngài đều là những Phật tử thuần thành.
Năm 15 tuổi (1936), ngài được song thân cho đến xuất gia với Sư tổ là Hòa thượng Thích Thanh Tường, trụ trì chốn Tổ Yên Bình, thôn Yên Bình, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Ngày 21.8.1975, ngài được GHPGVN chính thức tấn phong giáo phẩm Thượng tọa.
Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh quyết định tổ chức lễ tang theo nghi thức cấp cao của GHPGVN |
Báo Giác ngộ |
Ngày 28.8.1997 tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ III, ngài đã được GHPGVN tấn phong lên hàng giáo phẩm “Hòa thượng”. Đây là ngôi vị cao quý nhất đánh dấu cuộc đời tu hành của Hòa thượng.
Ngày 28.4.1998 Hòa thượng chính thức trao ngôi vị trụ trì cho Đại đức Thích Trí Như và lên ngôi Viện chủ chùa Hòa Lạc cho đến ngày viên tịch.
Tại Đại hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình lần thứ V (2007), ngài được Đại hội tín nhiệm suy cử làm Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình và Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Kim Sơn.
Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012) ngài được Đại hội suy tôn ngôi Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN và đảm nhiệm ngôi vị chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình.
Ngài vinh dự được Nhà nước xác lập kỷ lục “Người cao tuổi nhất Việt Nam đi đảo Trường Sa”. Hành động này của Ngài đã đưa Phật pháp tới biển đảo thân yêu, góp phần không nhỏ trong việc ổn định chính trị đất nước và trong khu vực.
Do có nhiều công lao đóng góp đối với đạo pháp và dân tộc, Ngài đã được Đảng, Nhà nước, MTTQVN trao tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình và nhiều Bằng tuyên dương công đức của GHPGVN.
Bình luận (0)