Đại lễ Phật đản hay là ngày kỷ niệm ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào năm 623 trước Công nguyên. Đây là lễ hội lớn của những người theo đạo Phật và những người mến mộ đạo Phật cũng như cộng đồng.
Đại lễ Phật đản là dịp không chỉ để tôn vinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn là dịp để ôn lại cuộc đời của Đức Phật trên phương diện một con người lịch sử cùng những lời dạy của ngài.
Theo lịch tổ chức hoạt động trong đại lễ Phật đản được các chùa công bố đến người dân, Phật tử, các hoạt động dịp đại lễ được tổ chức từ ngày mùng 8.4 đến ngày 15.4 âm lịch.
Đức Phật đản sinh ngày nào?
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An cho biết, trong kinh văn không nói chuyện cụ thể là Đức Phật đản sinh ngày nào, mà chỉ viết là ngày trăng tròn tháng Vesak.
Theo thượng tọa, ngày trăng tròn tháng Vesak là tháng 2 của Myanmar, là tháng 6 của Thái Lan, Lào, trùng với tháng 5 dương lịch. Ngày trăng tròn cũng không ước lượng chính xác ngày nào, mà chỉ là ước lệ nên có sự chênh lệch.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch lịch sử trên 3.000 năm nên ngày Phật đản chính xác là ngày mùng 8.4 hay 15.4 âm lịch cũng không được xác định rõ ràng. Thay vào đó, hiện nay, Phật đản không còn là 1 ngày mà GHPGVN tổ chức thành mùa Phật đản, kéo dài từ mùng 8.4 đến 15.4 âm lịch.
Theo viện chủ tu viện Khánh An, ở góc độ lý luận khác, Phật giáo Nam truyền gọi lễ Phật đản là đại lễ Vesak – tháng Vesak của Ấn Độ cũng được gọi là lễ tam hợp (tháng Đức Phật ra đời, Đức Phật thành đạo, Đức Phật nhập Niết bàn cùng trong tháng Vesak).
Trong khi đó, Phật giáo Bắc truyền cho rằng Đức Phật ra đời vào tháng 4, Đức Phật nhập Niết bàn vào tháng 2 âm lịch và thành đạo vào tháng chạp. Do vậy, người ta lấy ngày mùng 8.4 là ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tuy nhiên, từ năm 1950, Hội Liên hữu Phật giáo thế giới đã công nhận ngày trăng tròn tháng 4 là ngày Đức Phật ra đời. Từ đó, Phật giáo Việt Nam lấy ngày trăng tròn tức là ngày rằm tháng 4 là ngày quyết định cho sự kiện này.
Ý nghĩa đại lễ Phật đản
Thượng tọa Thích Trí Chơn cho hay, trong nguyên bản của bài kinh, khi Đức Phật bước xuống đi 7 bước có 7 hoa sen thì hoa sen biểu trưng cho sự thuần khiết; bên cạnh đó, 7 bước đi cũng thể hiện chân lý lời dạy của Đức Thế Tôn vượt qua không gian (đông, tây, nam, bắc) và vượt thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai). Những lời dạy của ngài không bị lỗi thời theo năm tháng.
Đó cũng là lý do là giáo lý của Đức Thế Tôn thì chỉ có 1, nhưng những người xuất gia tu hành, hôm nay đọc thì hiểu và cảm nhận thế này, nhưng ngày mai khi thời thế khác, cuộc sống biến động, đọc lại thì vẫn có những cảm nhận mới.
Ngoài ra, 7 bước chân của Đức Phật cũng có ý nghĩa là ngài đã đi qua hết cả lục đạo luân hồi gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a tu la, quỷ thần, trời.
Ngày nay, đại lễ Phật đản thường được tổ chức ngay trong trụ sở của Liên Hiệp Quốc vì đạo Phật là biểu tượng của hòa bình, hạnh phúc, an lạc, không có bóng dáng chiến tranh. Tất cả những gì chúng ta đang làm: hòa bình, hạnh phúc, an lạc, cảm thương, tình thương, từ bi đều giúp nâng cao giá trị đạo đức tâm linh.
"Ngày lễ Phật đản với hình ảnh Đức Phật sáng chói trong trái tim mỗi người như lời nhắc nhở, là dịp để chúng ta hoàn thiện chính mình... góp phần vào cuộc đời tươi đẹp", thượng tọa Trí Chơn chia sẻ.
Bình luận (0)