Mỗi dịp đại lễ Phật đản, các chùa và đường phố lại rợp cờ hoa. Nhiều hoạt động được tổ chức trong dịp này như: lễ tắm Phật, thả hoa đăng, làm thiện nguyện hay các hoạt động văn hóa… để dâng lên cúng dường Đức Phật.
Trong đó, lễ tắm Phật được tổ chức ở nhiều chùa. Phật tử, người dân đến chùa có thể tự lấy gáo nước để xối lên tượng Phật đản sinh.
Tắm Phật thế nào mới đúng?
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An cho biết, lễ tắm Phật hay còn gọi là lễ Mộc dục.
Từ trước đến nay, một số chùa chỉ hướng dẫn Phật tử xối gáo nước lên Đức Phật rồi khép đôi mắt lại quán tưởng rằng đang tẩy trừ thân tâm được trong sạch, nghiệp chướng được đuổi trừ.
Giây phút đó, trong tim mỗi người có một Đức Phật, mong nghiệp chướng phiền nào được tẩy sạch để hạt giống Phật được sáng ngời trong mình.
Sau này, GHPGVN có hướng dẫn, tắm Phật sẽ có 3 lần xối nước. Theo đó:
- Gáo đầu tiên xối nước bên vai phải của Đức Phật và đọc câu: Nguyện diệt trừ tất cả những điều ác.
- Gáo thứ hai xối nước bên vai trái của Đức Phật và đọc câu: Nguyện thực hiện tất cả mọi việc lành.
- Gáo thứ ba xối ở dưới chân của Đức Phật và đọc câu: Nguyện làm lợi lạc tất cả mọi người, mọi loài trên thế gian.
Theo thượng tọa, chúng ta cầm gáo nước bằng tay nào không quan trọng, nhưng hãy xối nước theo thứ tự: vai phải, vai trái và bàn chân của Đức Phật.
Ý nghĩa lễ tắm Phật
Thượng tọa Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN cho hay, tắm Phật là để tẩy rửa thân tâm mình, mong trí tuệ mình được phát sáng.
Dịp này, nhiều Phật tử cùng các chùa làm từ thiện giúp lan tỏa tình yêu thương và 2 chữ "từ bi" thấm nhuần trong cuộc sống để thắp sáng ngọn đèn tỉnh thức ở trong chính mình, môi trường xung quanh và đời sống xã hội.
"Chúng ta quen với hình ảnh tượng Phật và nghĩ Phật là người ngồi trên bức tượng nhưng thật ra Phật là tỉnh thức. Mình làm được điều này nghĩa là thắp sáng được ngọn đèn tỉnh thức. Sẽ rất khổ đau nếu sống ở đời không có ngọn đèn tỉnh thức để đi, đi mà không có ánh sáng, bước chân mà không biết mình đi đâu đó là khổ, còn khi có ánh sáng tỉnh thức rồi là mình đã có con đường, có lý tưởng", vị thượng tọa chia sẻ.
Cũng theo viện chủ tu viện Khánh An, trong cuộc sống ngày nay, khó có người có thể sống độc lập với đời sống xã hội nên chúng ta nên sống đồng cảm, thương yêu, chia sẻ.
"Mỗi người nhìn nhận sự có mặt của mình nằm trong sự tồn tại của người kia, xóa bỏ đi sự hẹp hòi sẽ thấy được ngôi nhà chung mà chúng ta cùng chung sống. Chúng ta hãy sống mở lòng, chấp nhận nhau, cảm thông, hiểu nhau để cuộc đời tươi đẹp hơn", thượng tọa Thích Trí Chơn đưa ra lời khuyên.
Bình luận (0)