Đại lễ Phật Đản: Ý nghĩa ngày Phật đản sanh, tổ chức ngày âm lịch nào là đúng?

07/05/2022 09:24 GMT+7

Đại lễ Phật Đản được nhiều người ‘mặc định’ là 15.4 âm lịch, tuy nhiên, một số quốc gia lại chọn ngày 8.4 âm lịch để tổ chức lễ. Vậy ngày nào mới chính xác, ý nghĩa Đại lễ Phật Đản là gì?

Đại lễ Phật Đản là một trong những lễ hội văn hóa, tâm linh lớn của Phật tử. Đây là ngày kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra ở thế kỷ thứ VII trước công nguyên trong hình hài của một nhân vật lịch sử.

Đại lễ Phật Đản ngày nào?

Đại đức Thích Minh Phú, trụ trì chùa Tường Nguyên (TP.HCM) cho biết, Phật Đản là ngày Đức Phật thị hiện nơi trần thế. Trước kia, các quốc gia theo truyền thống Bắc Tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) sẽ tổ chức lễ Phật Đản vào ngày 8.4 âm lịch.

Đại lễ Phật Đản là một trong những lễ hội văn hóa, tâm linh lớn của Phật tử

ngọc dương

Các quốc gia theo truyền thống Nam Tông sẽ tổ chức vào ngày 15.4 (rằm tháng tư âm lịch). Tuy nhiên tại Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Tích Lan vào năm 1950, 26 phái đoàn Phật giáo các nước thành viên đã thống nhất chọn ngày rằm tháng tư âm lịch hằng năm làm ngày Phật Đản quốc tế.

Đại đức Thích Minh Phú nói thêm, từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15.4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba đại lễ hợp thành Lễ Tam hợp được Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Do đó, hiện nay, tại nước ta, một số tự viện tổ chức lễ Phật Đản theo Phật Đản quốc tế nhưng cũng có một số tự viện tổ chức lễ Phật Đản theo truyền thống xưa, tức tổ chức vào ngày 8.4 âm lịch.

Thượng tọa Thích Tâm Hải, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM cũng cho hay, Đức Phật đản sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak (hay Vaiśākha) theo lịch pháp Ấn Độ cổ đại, tương đương với tháng rằm tháng tư âm lịch, tháng 5 tây lịch.

Tăng, Ni, Phật tử tham dự Đại lễ Phật Đản tại Việt Nam Quốc tự

ngọc dương

Do vậy, thông thường Đại lễ Phật Đản được tổ chức trong 1 tuần. Ở Việt Nam cũng tổ chức trong 1 tuần, bắt đầu từ ngày mùng 8.4 cho đến rằm tháng tư âm lịch.

Thượng tọa Thích Tâm Hải dẫn lời Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres trong Thông điệp nhân Ngày Vesak năm 2021: “Khi tôn vinh sự kiện Đản sinh, Thành đạo và Nhập diệt của Đức Phật, tất cả chúng ta cũng đồng thời được truyền cảm hứng từ những lời dạy của Ngài”, điều đó không phải chỉ dành cho giới Phật tử mà cho tất cả nhân loại.

“Trong thời điểm sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và sự độ lượng ngày một thu hẹp lại, thông điệp của Đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết”, Thượng tọa Thích Tâm Hải trích thông điệp của Tổng Thư ký Liên hiệp António Guterres phát đi trong Ngày Vesak năm 2019.

Với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, khi bắt đầu tháng tư âm lịch, nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh, cộng đồng được tổ chức để kỷ niệm ngày Phật Đản - Vesak, trong tâm niệm cúng dường Đức Phật và cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Ý nghĩa Đại lễ Phật Đản

Cũng theo Thượng tọa Thích Tâm Hải, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người lịch sử, được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, cha là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), mẹ là hoàng hậu Māyā, được nuôi dưỡng, giáo dục để trở thành người kế vị ngai vàng, lãnh đạo Kapilavastu.

Tuy nhiên, Ngài đã từ bỏ tất cả để dấn thân chứng nghiệm, khám phá bốn sự thật của cuộc đời, đó là: khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và phương pháp để chấm dứt sự khổ (Tứ diệu đế), giảng dạy về phương pháp cho con người có được hạnh phúc tương đối và đạt được hạnh phúc thực sự - nếu có ý chí, ngay trong cuộc đời này, được soi sáng bởi trí tuệ nhờ có chánh niệm, thực hành thiền định.

Đại lễ Phật Đản được tổ chức từ 8.4 - 15.4, bắt đầu với nghi lễ Tắm Phật

ngọc dương

Những lời dạy của Ngài vượt lên sự ràng buộc của các giáo điều thông thường, vượt thời gian, trở thành lối sống cho những ai muốn có được hạnh phúc thực sự cho bản thân, cộng đồng.

“Đại lễ Phật Đản là dịp tổ chức không chỉ để tôn vinh Đức Phật, mà hơn thế nữa, là cơ hội để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên phương diện một con người lịch sử, cùng những lời dạy của Ngài. Từ đó, để cùng mỗi người tự tin nhận ra rằng những điều tốt đẹp nhất, giác ngộ và giải thoát, là điều mà ai cũng có thể đạt tới được, đó không phải là sự ban phát - đặc quyền của một đấng nào đó siêu nhiên nào đó. Tin để sống theo, từ đó từng bước có được giá trị hạnh phúc thực sự, sống an lạc giữa đời mà không còn lo âu, sợ hãi; không bị danh vọng, tiền bạc, sự hưởng thụ… nhấn chìm”, Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ.

Người dân đi chùa Đại lễ Phật Đản

hồng thắm

Đồng quan điểm, Đại đức Thích Minh Phú cũng giải thích, Đại lễ Phật Đản là ngày để tín đồ Phật tử tưởng nhớ lại cuộc hành trình 80 năm nơi trần thế của Đức Phật, từ đản sanh cho đến thành đạo và cuối cùng là Niết bàn tịch diệt.

Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, ngày này có mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn đó là nhắc nhớ tứ chúng đệ tử Phật phải không ngừng nỗ lực tu tập, buông bỏ để trở về chính mình, tìm thấy chân tâm tự tánh, bản lai diện mục.

Theo Đại đức Thích Minh Phú, ở Việt Nam, Lễ Phật Đản tại các tự viện thường được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức Phật giáo. Tùy theo hệ phái, nghi thức cũng có phần khác biệt nhưng tương đồng ở nghi thức thiêng liêng gọi là “Mộc dục”, tức nghi thức Tắm Phật.

“Nghi thức này nhằm tái hiện lại hình ảnh chư thiên tắm mát Đức Phật lúc Ngài vừa đản sinh theo như truyền thuyết. Nhưng hành giả phải nhớ rõ, nghi lễ chỉ là hình thức, nội dung bên trong hình thức đó mới là điều quan trọng. Lễ mộc dục gửi một thông điệp vô cùng ý nghĩa đến hành giả, đó chính là hãy dùng dòng nước thanh lương kia gột rửa thân tâm, tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân - khẩu – ý”, Đại đức Thích Minh Phú nêu ý kiến.

Cũng theo Đại đức trụ trì chùa Tường Nguyên, tại gia đình Phật tử, nếu có điều kiện sẽ tôn trí bảo tướng Thích Ca Sơ Sinh, thực hành nghi thức Mộc dục như ở các tự viện Phật giáo, còn nếu không có điều kiện thì sẽ trang hoàng ban thờ Phật tại nhà mình, dâng hương tưởng niệm. “Quan trọng nhất trong việc học Phật là thông qua hình thức tìm thấy ý nghĩa giác ngộ bên trong, chứ không phải mải mê nơi hình thức”, Đại đức Thích Minh Phú nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.