Đài Loan bắt 6 người tuồn công nghệ hãng Đức cho Trung Quốc

08/01/2019 10:00 GMT+7

Đài Loan vừa bắt giữ sáu nhân viên và cựu kỹ sư hãng BASF vì cáo buộc nhận hối lộ khủng và chia sẻ công nghệ của công ty Đức cho Jiangyin Jianghua Microelectronics Materials.

Theo Bloomberg, đây là một trong nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc. Quan chức Cục Điều tra Hình sự Lu Sung-hao cho biết Jianghua hối lộ 40 triệu nhân dân tệ, tương đương 5,8 triệu USD, để đổi lấy sự giúp đỡ trong việc xây dựng nhà máy mới ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Công ty này chuyển 40 triệu Đài tệ, tương đương 1,3 triệu USD, đến hai tài khoản ở Samoa do tập đoàn kiểm soát.
Giới chức Mỹ và vùng lãnh thổ Đài Loan từ lâu cáo buộc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ nhằm đạt tiến bộ công nghệ. Trung Quốc không ngừng bác bỏ cáo buộc. Những rò rỉ như vụ giữa BASF và Jianghua, trong đó bao gồm việc bắt buộc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, là một trong nhiều vấn đề trọng yếu trong đàm phán thương mại song phương Mỹ - Trung vừa khởi động.
Số tiền trong vụ BASF và Jianghua lớn bất thường. Giới chức Đài Loan trước đây cáo buộc nhiều hãng Đại lục chiếm đoạt bí mật thương mại bằng cách tiếp cận nhân tài, song ông Lu nói rằng Jianghua đề nghị thanh toán trực tiếp để đổi lấy công nghệ độc quyền.
CEO BASF Martin Brudermueller, người nhậm chức vào tháng 5.2018, biến việc mở rộng kinh doanh ở Trung Quốc thành một trong các trọng tâm chiến lược. Hai tháng hậu nhậm chức, ông tuyên bố BASF có kế hoạch xây dựng khu phức hợp hóa học thứ nhì ở nước này với chi phí lên đến 10 tỉ USD.
Công ty Jiangyin Jianghua Microelectronics Materials ở Giang Tô Ảnh: jianghuamem.com
Tổn thất của BASF từ vụ việc có thể lên đến 100 triệu EUR, tương đương 114 triệu USD, mỗi năm, ông Lu cho biết. Đại diện của BASF cho hay hãng không cung cấp ước tính về tổn thất, cũng không xác nhận con số mà quan chức Cục Điều tra Hình sự đưa ra.
Theo cảnh sát, chỉ một trong số sáu bị cáo là nhân viên hiện thời, những người khác từng làm việc cho BASF. Nhà sản xuất hóa chất Đức cho biết họ đình chỉ nhân viên trên và thực hiện nhiều bước để hỗ trợ điều tra, bảo vệ tài sản trí tuệ doanh nghiệp. “Chúng tôi thiết lập nhiều hệ thống và chính sách để giảm thiểu rủi ro. Trước tình hình này, chúng tôi sẽ củng cố thêm hệ thống bảo vệ thông tin”, BASF tuyên bố.
Jianghua lên sàn chứng khoán năm 2017, chuyên phát triển và bán vật liệu cho nhiều loại sản phẩm từ tấm pin mặt trời cho đến màn hình điện tử. Doanh nghiệp có giá trị thị trường khoảng 348 triệu USD, ước tính tăng doanh thu hơn 10% lên khoảng 400 triệu USD năm 2018. Cảnh sát Đài Loan phát hiện một cựu kỹ sư cấp cao của BSAF nhận 90.000 nhân dân tệ mỗi tháng từ công ty ở Đại lục để tuyển nhân viên.
Doanh nghiệp và giới chức Mỹ từ lâu cho rằng Trung Quốc sử dụng một loạt chiến thuật để lấy thiết kế cùng bằng sáng chế công nghiệp, đánh cắp bí mật thương mại Mỹ. Báo cáo văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đưa ra tháng 11.2018 cáo buộc Bắc Kinh tiến hành chiến dịch đánh cắp tài sản trí tuệ do nhà nước hậu thuẫn, và dẫn lo ngại về kế hoạch Made in China 2025 với mục tiêu thống trị công nghệ tương lai của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.