Đài Loan can thiệp vào vụ kiện Biển Đông?

25/03/2016 15:20 GMT+7

Philippines có nguy cơ thất thế trong vụ kiện Biển Đông nếu Đài Loan thuyết phục được tòa rằng Ba Bình là một hòn đảo có người sống, không phải "hòn đá” như Philippines nói trong đơn kiện Trung Quốc, theo The Straits Times ngày 25.3.

Philippines có nguy cơ thất thế trong vụ kiện Biển Đông nếu Đài Loan thuyết phục được tòa rằng Ba Bình là một hòn đảo có người sống, không phải "hòn đá” như Philippines nói trong đơn kiện Trung Quốc, theo The Straits Times ngày 25.3.

Lính Đài Loan trên đảo Ba Bình - Ảnh: AFPLính Đài Loan trên đảo Ba Bình - Ảnh: AFP
Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, diện tích 46 ha, bị Đài Loan chiếm đóng từ năm 1956. Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã đến hòn đảo này hồi tháng 1 và vừa tổ chức chuyến đi trái phép cho báo chí quốc tế đến Ba Bình hôm 23.3. Sau chuyến đi, ông Mã còn lên tiếng mời chính phủ Philippines gửi người đến đảo để thị sát.
Những chuyến đi này được Đài Bắc lên kế hoạch nhằm chứng minh rằng Ba Bình có dân cư sinh sống, trên đảo có một nguồn nước ngọt, 200 nhân viên bảo vệ bờ biển và các nhà nghiên cứu đang lưu trú. Các nhà báo được cho uống nước từ một cái giếng và được phục vụ bữa trưa với thực phẩm trồng ở đó.
Trong đơn kiện gửi Tòa trọng tài quốc tế, Philippines nói rằng không có đá nào của quần đảo Trường Sa là đảo, theo định nghĩa là "có nguồn nước cung cấp cho một số ít dân cư". Manila nói Ba Bình là “hòn đá”, theo tờ The Straits Times ngày 25.3.
Theo luật pháp quốc tế, một hòn đảo được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong khi một đá chỉ có 12 hải lý.  The Straits Times cho rằng nếu Ba Bình được công nhận là một hòn đảo, thì vùng 200 hải lý của nó sẽ kéo dài đến tận tỉnh Palawan, phía tây Philippines.
“Điều này sẽ nằm ngoài trách nhiệm xét xử của tòa trọng tài”, theo ông Jay Batongbacal, giám đốc Học viện nghiên cứu hàng hải và luật biển UP.
"Philippines và Đài Loan đầu tiên sẽ phải giải quyết vấn đề chồng lấn trên biển... Điều này sẽ khó khăn bởi vì chế độ ‘một Trung Quốc", ông Richard Javad Heydarian, chuyên gia an ninh của trường đại học De La Salle nói. Theo ông Heydarian, vấn đề của đảo Ba Bình có thể dẫn đến việc tòa án hoãn đưa ra phán quyết về vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Philippines đang yêu cầu tòa án ở The Hague (Hà Lan) công nhận quyền hàng hải đối với lãnh hải ở quần đảo Trường Sa để cho thấy rằng Trung Quốc đã mở rộng biên giới của mình bất hợp pháp khi chiếm các rạn san hô ở Biển Đông.
Lãnh đạo Mã Anh Cửu trong chuyến đi phi pháp đến Ba Bình hồi tháng 1.2016 - Ảnh: Reuters
Động thái này của ông Mã Anh Cửu cho thấy Đài Bắc có tính toán mới với tranh chấp ở Biển Đông.
"Kể từ khi Biển Đông trở thành một vấn đề tranh chấp, Đài Loan luôn đưa mình ra khỏi tất cả các cuộc họp chính thức liên quan đến vùng biển này. Ông Mã muốn nhân cơ hội này để gia tăng quan điểm của Đài Loan", theo tiến sĩ Arthur Ding, Giám đốc Viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học quốc gia Chengchi ở Đài Bắc.
Theo ông Ding, có thể xảy ra những vấn đề mới liên quan đến vụ kiện của Philippines vì “rất nhiều người bây giờ thấy rằng có nguồn nước tự nhiên trên đảo Ba Bình, chứng minh rằng nó là một hòn đảo”.
Ông Ding còn cho rằng Đài Loan được xem là “một tỉnh” của Trung Quốc nên bất kỳ chứng minh nào nói Ba Bình là hòn đảo cũng đều có thể “củng cố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc”, và “Bắc Kinh sẽ im lặng” khi Đài Loan lên tiếng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.