Đài Loan hứng siêu bão

08/07/2016 07:00 GMT+7

Đài Loan đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để đề phòng siêu bão Nepartak bắt đầu càn quét đảo này từ rạng sáng 8.7.

Theo AFP, cơn bão có sức gió từ 210 km/giờ đến 260 km/giờ, gió giật có thể lên đến 305 km/giờ. Bão Nepartak di chuyển theo hướng tây - tây bắc với tốc độ 20 km/giờ và tầm ảnh hưởng trong vòng bán kính 200 km.
Văn phòng Khí tượng trung ương Đài Loan dự báo bão đổ bộ vào các địa phương phía đông như thành phố Hoa Liên, thành phố Đài Đông vào khuya 7.7 hoặc rạng sáng 8.7. Siêu bão có thể gây ra những đợt sóng cao 4 m, thậm chí nhiều cơn sóng sẽ lên đến 15 m. Trong trường hợp này, các chuyên gia cảnh báo nhiều khu vực ven biển có nguy cơ bị ngập, gây thiệt hại nặng cho hệ thống cơ sở hạ tầng và những vùng trồng trọt.
Tờ Le Figaro dẫn lời chuyên gia khí tượng Trần Di Lương cho biết: “Bão tiếp tục mạnh dần lên khi tiếp cận Đài Loan nên Văn phòng Khí tượng trung ương quyết định cảnh báo về việc lưu thông hàng hải”. Hôm qua, hàng ngàn du khách đã được sơ tán khỏi đảo Lục và đảo Lan Tự, ngoài khơi Đài Đông. Phần lớn các chuyến bay nội địa đều bị hủy và khoảng 60 chuyến bay quốc tế cũng bị ảnh hưởng.
Chính quyền Đài Loan đã ra lệnh cho 35.000 binh sĩ sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng chống bão, chủ yếu tham gia sơ tán dân chúng và phân phát nhu yếu phẩm. Ngoài ra, 90 trung tâm cứu trợ khẩn cấp đã được mở trên khắp đảo này.
Trả lời PV Thanh Niên ngày 7.7, chị Thái Ngọc Phương Minh, du học sinh Viẹt Nam tại Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), cho biết: “Tuy bão chưa đổ bộ nhưng tại những địa phương phía đông Đài Loan như Hoa Liên, Đài Đông, Nghi Lan, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa trường học và công sở từ chiều 7.7. Nơi tôi ở là Đài Bắc thì sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường nhưng những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phát thông cáo cảnh báo bão. Tối 6.7, tôi ra siêu thị thì thấy nhiều quầy thực phẩm đã hết sạch. Mọi người tất bật mua lương thực dự trữ vì có thể phải ở nhà nhiều ngày để trú bão. Ngoài đường phố, công nhân của cục thủy lợi xuất hiện tại nhiều tuyến đường để kiểm tra lại hệ thống thoát nước. Còn ở các khu dân cư, cửa nẻo được gia cố lại, cửa kính được dán băng keo để phòng hờ giông gió quá mạnh, cửa có bị xô ngã thì kính cũng ít văng vỡ ra xung quanh”.
Theo chị Phương Minh, từ tháng 7 đến tháng 9 thường là mùa bão ở Đài Loan. Do rất thường phải hứng bão nên chính quyền và người dân vùng lãnh thổ này phòng chống rất chuyên nghiệp. Ngay từ ngày 6.7, chị Phương Minh đã nhận được thư điện tử của Trường NTU, trong đó có hẳn một “cẩm nang” chống bão rất chi tiết: kiểm tra nóc nhà, hệ thống thoát nước, điện, máy phát điện dự phòng; chuẩn bị sẵn số điện thoại của trạm cảnh sát gần nhất để báo trong trường hợp khẩn cấp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.