Đài Loan sẽ ra sao nếu bị cắt nguồn cung năng lượng từ đại lục?

14/04/2022 20:30 GMT+7

Giới quan sát cho rằng Đài Loan có thể chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng tác động sẽ lan tỏa khắp khu vực nên Bắc Kinh không thể xem nhẹ.

Đài Loan nhập khẩu phần lớn khí thiên nhiên hóa lỏng cho thị trường nội địa

cpc

Theo South China Morning Post ngày 10.4, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể áp dụng một biện pháp gián tiếp, ít nguy cơ là ngừng cung ứng năng lượng cho Đài Loan, dù không loại trừ khả năng tái thống nhất bằng vũ lực.

Theo đó, việc phong tỏa nguồn cung năng lượng sẽ ảnh hưởng đến đời sống mọi cư dân trên đảo, khiến giá cả tăng vọt. Khi đó, tình trạng cô lập có thể khiến khả năng đàm phán về tái thống nhất có thể trở thành một lựa chọn thực sự.

Đây là một khả năng mà Cơ quan Phòng vệ Đài Loan từng cảnh báo. Trong báo cáo năm ngoái, cơ quan này cho rằng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có khả năng phong tỏa các cảng và các tuyến hàng hải và hàng không lớn.

Trong báo cáo gửi Quốc hội năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng việc phong tỏa sẽ cắt đứt nguồn nhập khẩu quan trọng buộc Đài Loan nhanh chóng thỏa hiệp.

Thiếu nguồn dự trữ chiến lược

Đài Loan nhập khẩu hầu như tất cả khí thiên nhiên và việc phong tỏa các cảng chính sẽ cắt nguồn cung ứng mới.

Theo phó giáo sư Alexander Huang về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Đạm Giang (Đài Loan), Đài Loan chỉ dự trữ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đủ phục vụ nhu cầu trong 2 tuần và dầu thô đủ cho 90 ngày.

“Nếu bạn chỉ có khí hóa lỏng cho 2 tuần thì đó không gọi là chiến lược”, theo ông Huang.

Chuyên gia này cho biết lực lượng phòng vệ biển Đài Loan không thể đi xa vào Biển Đông để hộ tống những chuyến tàu chở năng lượng do việc Trung Quốc đại lục quân sự hóa phi pháp nhiều thực thể tại đây.

Do đó, Đài Bắc sẽ cần giúp đỡ từ những bên có thế lực về hàng hải. “Đó là một lĩnh vực chưa được tìm hiểu kỹ và cũng là tranh luận thường xuyên giữa Đài Loan với Mỹ về vai trò, chức năng hoặc năng lực gì mà Đài Loan cần có”, theo ông Huang.

Ông cho rằng Đài Loan muốn có năng lực đầy đủ, tàu to, hệ thống Aegis để có thể tiến xa và chỉ đạo các chiến dịch hàng hải độc lập nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải.

Theo chuyên gia Drew Thompson tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore, để phong tỏa, PLA chỉ cần đưa tàu đến ngoài khơi Cao Hùng ở phía nam và Cơ Long ở phía bắc Đài Loan, 2 thành phố có các cảng lớn của hòn đảo, nhằm ngăn chặn thương mại hàng hải.

“Sẽ không cần đặt một vòng sắt lớn quanh Đài Loan. Trong trường hợp Trung Quốc, sẽ không cần triển khai bằng biện pháp quân sự mà vẫn cản trở rất nhiều”, ông nhận định.

Tác động không thể xem nhẹ

Bên cạnh việc làm giá cả tăng và dòng vốn chảy ồ ạt khỏi Đài Loan, một sự đe dọa thôi cũng sẽ khiến các tàu thương mại không dám ghé, với ảnh hưởng lan tỏa khắp khu vực.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết hơn 30% lượng dầu thô và 40% LNG thương mại được vận chuyển qua vùng biển này vào năm 2016.

Các quốc gia tại Trung Đông cũng vận chuyển dầu xuất khẩu bằng đường hàng hải qua khu vực này để cung cấp cho các bên mua như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan.

Đài Loan tập trận chống đổ bộ trên đảo gần Trung Quốc

Tuy nhiên, việc phong tỏa hoặc đe dọa phong tỏa như thế cũng sẽ ảnh hưởng Trung Quốc đại lục. Theo ông Thompson, hành động đó sẽ dẫn đến việc gia tăng chi phí và nguy cơ hàng hải cũng như phí bảo hiểm rủi ro cho cảng Thượng Hải.

“Đây sẽ là gánh nặng kinh tế rất lớn đối với các trung tâm thương mại lớn ở Trung Quốc cũng như đối với hàng hải quốc tế. Do đó, tôi không nghĩ rằng đó là điều mà Trung Quốc xem nhẹ”, ông nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia này còn phân tích thêm về khả năng Trung Quốc đối diện các lệnh cấm vận quốc tế, khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng như tình trạng lạm phát gia tăng, gián đoạn kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.