Hệ thống được cho là có thể bao phủ các khu vực trong khoảng cách 3.000 hải lý (5.500 km), nhận diện và theo dấu các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn lẫn tầm xa, tên lửa hành trình. Nhờ đó, nếu CHDCND Triều Tiên khai hỏa tên lửa như lần phóng vệ tinh hồi tháng 12.2012, Đài Loan có thể phát hiện sớm hơn vài phút so với Nhật Bản.
Đồng thời, radar trên bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lẫn đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tất nhiên, một hệ thống hiện đại như thế ngốn khoản ngân sách không nhỏ. Hồi năm ngoái, ngân sách dành cho nó tăng thêm 200 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư vượt 1,38 tỉ USD.
Trong một diễn biến khác, báo The China Post hồi cuối tuần qua đưa tin nhà lập pháp Đài Loan Lâm Uất Phương, thuộc Quốc dân đảng, vừa lên tiếng cảnh báo lực lượng phòng vệ đảo này có thể quá lệ thuộc vào vũ khí Mỹ. Cảnh báo được đưa ra sau khi chương trình phát triển tên lửa không đối đất Vạn Kiếm do Đài Loan tự phát triển bị cắt giảm số lượng sản xuất. Đây là loại tên lửa mang hình thức bom chùm, có tầm bắn
200 km, được dùng để tấn công bến cảng, sân bay đối phương. Ban đầu, Đài Loan dự định sản xuất nhiều tên lửa Vạn Kiếm để trang bị cho dòng máy bay nội địa Kinh Quốc từ năm 2014. Tuy nhiên, sau khi được Washington thông qua hợp đồng cung cấp tên lửa không đối đất JDAM kèm theo gói nâng cấp chiến đấu cơ F-16 A/B, Đài Bắc đã quyết định cắt giảm số lượng tên lửa Vạn Kiếm.
Hoàng Đình
Bình luận (0)