Đại lý bán lẻ nghĩ cách chống gian lận thẻ tín dụng

12/09/2024 07:40 GMT+7

Các đại lý bán lẻ di động trong nước đang phải tìm cách ngăn chặn tình trạng đánh cắp thông tin thẻ tín dụng để mua thiết bị qua các hình thức thanh toán trực tuyến.

Mua sắm trực tuyến ngày càng tiện dụng và trở nên phổ biến khi việc thanh toán qua mạng dần quen thuộc với mọi người. Đồng thời, hầu như mọi hệ thống, cửa hàng, đơn vị kinh doanh đều tích hợp đa dạng phương thức thanh toán để mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn. Trong số này phải kể đến hình thức mua hàng bằng thẻ tín dụng giúp người dùng có thể sở hữu trước món đồ, trả tiền sau (trả thẳng hoặc trả góp), tối ưu được kế hoạch chi tiêu.

Nhưng thẻ tín dụng cũng là một trong những hình thức sử dụng tài chính nhiều rủi ro, đặc biệt khi người dùng không kiểm soát được chi tiêu hoặc thiếu các kỹ năng bảo vệ thông tin, tránh kẻ gian tiếp cận được và đánh cắp số tiền có trong hạn mức. Đã có nhiều trường hợp kẻ gian sử dụng thẻ tín dụng của nạn nhân để mua sắm đồ, từ đó dẫn đến những cuộc kiện tụng, giải quyết giữa nhiều bên kéo dài.

Thanh toán trực tuyến dễ dàng qua thẻ tín dụng đang làm "đau đầu" nhà bán lẻ trong việc ngăn chặn hành vi lợi dụng, đánh cắp tiền

Thanh toán trực tuyến dễ dàng qua thẻ tín dụng đang làm "đau đầu" nhà bán lẻ trong việc ngăn chặn hành vi lợi dụng, đánh cắp tiền

ẢNH: AFP

Do đó, hiện nay không ít hệ thống kinh doanh lớn đang áp dụng chính sách để xác thực, làm rõ việc chi tiêu trực tuyến của khách hàng đối với các sản phẩm đang cung cấp. Việc này cũng trực tiếp gây phiền phức cho người mua, đặc biệt là những khách hàng lần đầu tiếp xúc với chính sách mới từ bên bán.

Anh Quang Hải (Thanh Hóa) cho biết đã rất "ngỡ ngàng" khi mua tặng bố mình chiếc smartphone để thay thế điện thoại "cục gạch" trước thời điểm tắt sóng 2G trên cả nước. Dù đến tận cửa hàng và thanh toán tại chỗ, nhân viên của siêu thị điện thoại vẫn đề nghị anh xác thực số điện thoại chính chủ bằng cách đăng nhập vào ứng dụng riêng của hệ thống này nhằm tránh trường hợp "mượn ưu đãi thành viên" của người khác, do mỗi cấp độ thành viên sẽ hưởng khuyến mại khác nhau, trừ thẳng vào tiền mua máy.

Ngoài ra, khi thanh toán bằng thẻ tín dụng khác tên mình, nhân viên tại đây cũng tỏ ý nghi ngại và hỏi rõ anh lý do vì sao tên in trên thẻ lại khác với tên đăng ký thành viên.

Trường hợp của người dùng Tấn Lực (Hà Nội) cũng liên quan tới việc thanh toán không suôn sẻ khi sử dụng thẻ tín dụng. Cụ thể, anh Lực đặt mua một chiếc iPhone mới, thanh toán trực tuyến và yêu cầu cửa hàng giao tận nơi. Nhưng khi giao máy, nhân viên của đại lý đề nghị anh cung cấp các thông tin để xác thực chính là người đặt mua, đồng thời là chủ nhân của tài khoản thẻ tín dụng đã chi tiêu trên hệ thống.

Giải thích rõ hơn cho các tình huống trên, đại diện một hệ thống bán lẻ di động cho biết thời gian gần đây xảy ra tình trạng kẻ gian sử dụng thông tin thẻ tín dụng đánh cắp được để thực hiện các giao dịch mua bán, gây thiệt hại tài chính cho chủ thẻ, đồng thời kéo nhà bán hàng vào những rắc rối khi phải làm việc với các bên, trong đó có ngân hàng nơi cung cấp dịch vụ thẻ, để xử lý.

Nguồn tin từ nội bộ một đơn vị bán lẻ di động cho biết trong vòng 1 năm từ tháng 8.2023 tới tháng 8.2024, doanh nghiệp ghi nhận hơn 20 trường hợp chi tiêu bất thường bằng thẻ tín dụng và bị chủ thẻ gọi lên cửa hàng hoặc ngân hàng thông báo đó là những giao dịch không hợp lệ, người sở hữu không thực hiện việc mua bán đó.

Thanh toán một chạm khiến việc kiểm tra trùng khớp thông tin trên thẻ tín dụng khó hơn

Thanh toán một chạm trên di động ngày càng phổ biến

Ảnh: AFP

"Có những trường hợp mua nhiều sản phẩm là thiết bị di động đắt tiền, với tổng giá trị rất lớn, chúng tôi ghi nhận mức phổ biến trên 50 triệu đồng, có đơn hàng hơn 130 triệu đồng", người này tiết lộ. Khi chủ thẻ gọi tới ngân hàng báo không thực hiện giao dịch như vậy, các bên sẽ phải giải quyết với nhau nếu không muốn đưa vụ việc ra tòa án.

Người đại diện đại lý cho biết thêm: "Khách hàng là người chịu rủi ro đầu tiên khi để lộ, mất thông tin thẻ dẫn tới việc người khác chi tiêu còn mình thiệt hại tài chính. Còn về phía bên bán, nếu chúng tôi không chứng minh được giao dịch chính chủ thực hiện sẽ phải hoàn tiền lại cho chủ thẻ". Vì vậy, đơn vị này đặt ra yêu cầu nhân viên kinh doanh phải kiểm tra thông tin kỹ càng, xác định chính chủ thẻ tín dụng trước khi thực hiện giao dịch. "Tất nhiên chỉ kiểm tra tính khớp của dữ liệu, không lưu trữ bất kỳ thông tin nào của khách", vị này nói thêm.

Dù vậy, việc kiểm tra thông tin có thể gặp khó khi khách hàng gắn thẻ tín dụng vào điện thoại, đồng hồ thông minh và sử dụng các dịch vụ thanh toán một chạm như Apple Pay, Samsung Pay... Các trường hợp này có thể lấy lý do không mang theo thẻ vật lý để né bước kiểm tra thông tin chi tiết ban đầu và tiến hành giao dịch chỉ bằng thiết bị cá nhân.

Người dùng cần lưu ý rằng việc thêm một thẻ tín dụng vào ví điện tử trên điện thoại có thể không cần tới sự có mặt của thẻ vật lý, do vậy kẻ gian khi lấy được thông tin quan trọng như tên chủ sở hữu, số thẻ, tháng/năm hết hạn, mã CVV là có thể gắn lên thiết bị của chúng để sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.