Đài Mỹ nói chỉ 30-40% vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine đến được tiền tuyến

09/08/2022 10:50 GMT+7

Trong khi vũ khí phương Tây vẫn đang đổ đến Ukraine với số lượng chưa từng thấy, một bài viết của trang tin CBS nói rằng có thể chỉ khoảng 30% số này đến được tiền tuyến.

Theo bài viết, CBS nhận định các vũ khí hiện đại của NATO và nguồn viện trợ quân sự từ phương Tây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Ukraine kháng cự Nga và hy vọng giành lại các vùng lãnh thổ đã mất.

Hiện nay, số vũ khí hiện đại mà phương Tây viện trợ cho Ukraine thường được chuyển đến biên giới với Ba Lan. Tại đây, chúng sẽ được nhanh chóng đưa qua biên giới và được giới chức Ukraine tiếp nhận. Kể từ đây, Mỹ và các đồng minh không thể giám sát được số vũ khí viện trợ sẽ đi về đâu.

EU nói gì về các cáo buộc vũ khí cung cấp cho Ukraine bị buôn lậu?

Hồi tháng 4.2022, ông Jonas Ohman, nhà sáng lập và CEO của tổ chức Blue-Yellow có trụ sở tại Lithuania, ước tính chỉ khoảng "30 - 40%" số vũ khí Ukraine được viện trợ có thể đến đích.

Ông Ohman là người đã kết nối và cung cấp viện trợ quân sự cho các đơn vị tiền tuyến ở Ukraine kể từ khi xung đột giữa quân chính phủ và phe ly khai ở vùng Donbass nổ ra hồi năm 2014.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2.2022, Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự trị giá hơn 23 tỉ USD cho Ukraine. Anh đã cam kết viện trợ 3,7 tỉ USD, Đức là 1,4 tỉ USD, và Ba Lan là 1,8 tỉ USD.

Việc tiền tuyến thay đổi liên tục và lực lượng chủ yếu của Ukraine là quân tình nguyện và bán quân sự đã khiến việc vận chuyển viện trợ quân sự trở nên khó khăn. Các tuyến đường tiếp tế vừa nguy hiểm, vừa phải liên tục thay đổi để đến được nơi nhận cuối cùng.

Quân đội Ukraine "nhức đầu" vì chủng loại vũ khí viện trợ đa dạng từ phương Tây

Đã có nhiều lo ngại số vũ khí cung cấp cho Ukraine cuối cùng sẽ bị tuồn ra thị trường chợ đen. Ông Ohman cảnh báo tình trạng tham nhũng và quan liêu ở Ukraine đã ngăn chặn các vũ khí đến được nơi cần đến.

CBS cũng dẫn lời ông Andy Millburn, một cựu sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ hiện có công ty tham gia huấn luyện binh lính Ukraine ở Kyiv, nói rằng cần tăng cường giám sát vận chuyển vũ khí viện trợ.

Ông nói: "Nếu Mỹ có chính sách hỗ trợ Ukraine để kháng cự Nga, không thể làm nửa vời. Tôi hiểu là Mỹ sẽ không đưa quân vào Ukraine. Nhưng tại sao ít nhất lại không đưa người dân vào các vị trí giám sát? Dân thường có thể đảm bảo những điều đúng đắn đang xảy ra".

Hồi tháng 7, Đại sứ Bonnie Denise Jenkins, thứ trưởng Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế tại Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định "nguy cơ vũ khí bị chuyển hướng bất hợp pháp có nằm trong một loạt các cân nhắc về chính trị-quân sự và nhân quyền".

Tuy nhiên, bà nói thêm: "Chúng tôi tin tưởng vào cam kết của chính phủ Ukraine trong việc bảo vệ và giải quyết các thiết bị quốc phòng có xuất xứ từ Mỹ một cách thích hợp".

Ukraine đã thành lập ủy ban đặc biệt tạm thời để theo dõi luồng vũ khí trong nước. Tuy vậy, các chuyên gia vũ khí cho hay họ đã từng chứng kiến các tình huống tương tự trước đây. Theo bà Donatella Rovera, cố vấn khủng hoảng cấp cao của Tổ chức Ân xá Quốc tế, các vũ khí Mỹ đem đến Iraq năm 2003 cuối cùng đã rơi vào tay lực lượng IS vào năm 2014. Bà nói thêm tình trạng tương tự đã xảy ra ở Afghanistan khi lực lượng Taliban tiếp quản hàng loạt vũ khí Mỹ.

Cuối cùng, ông Ohman nhấn mạnh: "Đó là một trong những lý do chúng ta phải thắng cuộc. Nếu đổ nhiều tài nguyên sát thương vào một nơi và thua cuộc thì sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả".

Mỹ cấp thêm 550 triệu USD vũ khí cho Ukraine
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.