Đại nạn cống Hiệp Hòa và chuyện 98 người không về

03/05/2018 10:00 GMT+7

98 thanh niên tình nguyện vĩnh viễn nằm lại trên công trường thi công cống Hiệp Hòa (xã Hòa Sơn, H.Đô Lương, Nghệ An) trong vụ sập đất xảy ra trưa 3.1.1978. Hơn 40 năm sau, nỗi day dứt vẫn chưa nguôi đối với những người còn sống.

Cống Hiệp Hòa, một hạng mục trong kênh thủy lợi dẫn nước từ sông Lam phục vụ nước tưới và sinh hoạt cho 4 huyện hạ du được người Pháp xây dựng từ năm 1934, còn được người dân gọi là kênh Vếch Bắc. Năm 1978, để nâng lưu lượng nước tưới, tỉnh Nghệ An huy động hàng ngàn thanh niên tình nguyện bạt núi, mở kênh. Trưa 3.1.1978, hàng ngàn mét khối đất đá bất ngờ đổ ập xuống, vùi lấp 98 thanh niên và hơn 120 người bị thương.
98 thanh niên tử nạn
Bà Trần Thị Lý (hiện 59 tuổi, ở xã Cát Văn, H.Thanh Chương, Nghệ An), người may mắn sống sót trong vụ sập đất năm ấy vẫn còn nhớ như in giây phút kinh hoàng đó. “Lúc đó gần 12 giờ trưa, nhiều người nghỉ, ăn cơm. Đội của H.Thanh Chương và H.Đô Lương vẫn tiếp tục đổ bê tông vòm cống thì đất đá từ trên cao bất ngờ đổ ập xuống. Cảnh tượng vô cùng kinh hoàng. Tiếng người gào thét, kêu khóc. Tui bị đất đá vùi gần đến tận cổ, may còn sót cái đầu nên sống sót, được cứu rồi đưa đến bệnh viện”, bà Lý nhớ lại.
Ông Nguyễn Nhật Lý (chồng bà Lý) kể năm 1972, ông nhập ngũ, năm 1977 xuất ngũ, về quê. Ông nên duyên với cô gái 19 tuổi người cùng thôn là Bùi Thị Nga. Cưới nhau được 4 ngày thì cô Nga gặp nạn. Khoảng 4 giờ chiều ngày tang thương ấy, ông Lý nghe tin sập cống, người chết la liệt thì hoảng hốt chạy ra xã nghe ngóng. Khi ông chạy ra đến sân kho hợp tác xã thì người ta cũng vừa đưa thi thể những người bị nạn về. Xã Cát Văn có đến 37 thanh niên tử nạn. Khi nhìn thấy thi thể vợ nằm bất động trên chiếc cáng, ông Lý như ngã quỵ. 4 năm sau, ông Lý lập gia đình với bà Lý, ngụ cùng xóm.
Đại nạn cống Hiệp Hòa và chuyện 98 người không về1
Vợ tử nạn, ông Lý sau đó nên duyên với bà Lý, người sống sót sau vụ sập cống Hiệp Hòa
Gần nhà ông Lý là nhà bà Nguyễn Thị Liên. Nhắc đến ngày đó, bà Liên ngồi lặng, rớm nước mắt. Bà kể, năm đó con gái đầu của bà là chị Bùi Thị Tiến (17 tuổi) tham gia đội quân tình nguyện đi mở kênh. Bà Liên nói: “Nó xinh gái, yêu đời, thế mà lại bỏ bà đi quá sớm”. Theo bà Liên, sau khi tai nạn xảy ra, 37 thanh niên của xã Cát Văn được chôn cất trên núi Đụn, ý định sau này chính quyền quy hoạch thành nghĩa trang riêng và sự hy sinh của những thanh niên tình nguyện sẽ được ghi công. Nhưng sau đó, sự việc rơi vào quên lãng nên các gia đình tự cất bốc về khu nghĩa trang riêng của dòng họ.
Máu đổ xuống cho đồng lúa tươi xanh
Ông Hồ Như Hồng, Chỉ huy trưởng công trình cống Hiệp Hòa, hiện đang sinh sống và làm nghề bốc thuốc ở xã Quỳnh Đôi (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho biết công trình đại thủy lợi này lấy nước từ sông Lam, bắt đầu từ bara Đô Lương (bara hiểu đơn giản là cửa lấy nước - PV) có chiều dài kênh chính 53 km, kênh tưới lên tới 530 km, tưới tiêu cho 370.000 ha đất nông nghiệp.
“Con kênh này nắm giữ sự sống của cả tỉnh Nghệ An, nó không chỉ có ý nghĩa về thủy lợi mà cả nước sinh hoạt cho người dân. Vì vai trò quan trọng mà nó trở thành trọng điểm ném bom của Mỹ. Mỹ đã ném 91 quả bom vào cống Hiệp Hòa, làm sập cống dài 30 m. Lưu lượng nước qua cống Hiệp Hòa lúc ấy chỉ đạt 18 m3/giây, trong khi phải đạt 30 m3/giây mới đủ tưới tiêu cho 370.000 ha đất nông nghiệp”, ông Hồng kể.
Đại nạn cống Hiệp Hòa và chuyện 98 người không về2
Ông Nguyễn Hoàng Cảnh và am thờ do vợ chồng ông tự lập để hương khói cho những người đã nằm lại cống thủy lợi này
Ông Hồng nguyên là giảng viên Đại học Thủy lợi, được tỉnh Nghệ An mời về làm tổng chỉ huy các công trình thủy lợi. Đêm 2.1.1978, ông đến công trường thấy nước đã tràn vào móng cống. Bức tường dài 180 m ngăn phía trên cống đã làm xong 150 m, còn 30 m. Ông Hồng dặn một kỹ sư phụ trách công trường khi nào thật an toàn thì đổ bê tông.
“Đêm trước đó, tôi làm việc tới 4 giờ sáng mới về lán. 8 giờ sáng 3.1, thấy anh em đổ bê tông. 11 giờ, tôi từ bara Đô Lương trở về, thấy anh em đổ bê tông gần xong, tôi phấn khởi xuống cống kiểm tra, phát hiện thấy một đường nứt trên cống cũ nhưng thấy không đáng ngại lắm. Tôi ra khỏi cống lúc 12 giờ kém 10 phút, vừa đi được 100 m thì cống sập. Tôi ngất đi”, ông Hồng kể.
4 ngày sau thảm họa, công trình lại tiếp tục được thi công vì nếu chậm trễ, 370.000 ha lúa và hàng trăm ngàn người dân sẽ không có nước. Gần 3 năm sau, ông Hồng bị kết án trong một phiên tòa đầy nước mắt. Ông Hồng bị tuyên phạt 6 năm tù và 2 người kỹ sư cộng sự của ông mỗi người 2 năm tù.
Đại nạn cống Hiệp Hòa và chuyện 98 người không về3
Bà Nguyễn Thị Liên bên mộ con gái, chị Bùi Thị Tiến
Mong một tấm bia tưởng nhớ
Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nghệ An, cho biết năm 1979, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã truy tặng bằng ghi công cho những người tử nạn tại cống Hiệp Hòa và trợ cấp cho mỗi gia đình 6 kg gạo/tháng. Đến năm 2001, UBND tỉnh quyết định cho thân nhân người mất được hưởng chế độ bằng mức trợ cấp xã hội (hiện nay là 540.000 đồng/tháng/người tử nạn). “Việc công nhận liệt sĩ cho những người này là không đủ điều kiện. Tuy nhiên, việc lập một nhà bia tưởng nhớ họ ngay tại cống Hiệp Hòa là rất nên làm, nhưng việc này không nằm trong thẩm quyền của Sở LĐ-TB-XH”, ông Dương nói.
Tôi đến cống Hiệp Hòa sau 40 năm thảm họa xảy ra và khó để hình dung nơi này từng xảy ra vụ tai nạn lao động kinh hoàng như vậy. Năm 1997, cống được xây dựng lại, phần cống ngầm nay đã chảy lộ thiên và hệ thống ngăn nước có chức năng điều tiết nước, bảo vệ đường hầm xuyên núi dài hơn 500 m cách đó 2 km về phía hạ du. Bên con đường gần nơi xảy ra thảm họa là một cái am thờ nhỏ, nằm nép mình ở mé đồi.
Ông Nguyễn Hoàng Cảnh, người vận hành cống, quê xã Cát Văn, nói thấy hoang lạnh, thương những thanh niên đã ra đi ở tuổi thanh xuân nên vợ chồng ông mua cái am này về dựng ở đây để thi thoảng thắp hương cho đỡ cô quạnh. Nhà vợ chồng ông Cảnh nằm cách cống Hiệp Hòa chừng 400 m. Ông nói, vùng này còn khá heo hút nên đến giờ, ban đêm vẫn ít người dám qua lại chỗ này vì người ta vẫn còn ám ảnh vụ thảm họa 40 năm trước.
“Giá như ở đây dựng được cái bia tưởng niệm để ghi công những người đã hy sinh cả tính mạng cho con kênh tưới này thì rất tốt, để hoang lạnh thế này cũng thấy xót lòng”, ông Cảnh nói.
Buổi sáng cùng ngày, khi dẫn tôi lên thăm khu mộ người vợ mới cưới 4 ngày đã vĩnh viễn không trở về từ cái cống này, ông Nguyễn Nhật Lý mong mỏi những người đã nằm xuống vì sự nghiệp xây dựng đất nước không bị bỏ quên. Ông Lý kể, vừa rồi, các gia đình có người tử nạn ở cống Hiệp Hòa góp mỗi nhà 100.000 đồng làm chi phí để cử người đi tỉnh kiến nghị được ghi nhận công lao cho những người đã nằm xuống. “Chúng tôi cũng không dám đòi hỏi quyền lợi gì quá đáng, nhưng một tấm bia tưởng nhớ tại nơi xảy ra vụ sập cống cũng không có nên chúng tôi thấy chạnh lòng”, ông Lý nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.