Đại ngàn ly kỳ truyện: Phá nhà của 'người chết xấu'

18/04/2022 08:08 GMT+7

Thật không may cho gia đình nào có “cái chết xấu”, bởi cảnh tang tóc chưa qua thì bị dân làng kéo đến... đốt phá nhà cửa. “Cái chết xấu” cứ ám ảnh đồng bào Xê Đăng, Ca Dong (H.Nam Trà My, Quảng Nam) bao đời qua.

Tận cùng nỗi đau

Tôi trở lại xã Trà Cang (H.Nam Trà My) khi vụ án Hồ Văn Dên (29 tuổi) sát hại con là H.T.A (vào tối 10.6.2021) vừa khép lại sau phiên xét xử. Chỉ vì mâu thuẫn tình cảm với vợ mà Dên đã rút dao xuống tay tàn nhẫn với đứa con trai chỉ mới 3 tuổi. Bi kịch gia đình Dên không chỉ dừng lại ở cảnh mẹ mất con, chồng chịu án chung thân mà còn đẩy họ vào cảnh đúng nghĩa đen của từ: tan cửa nát nhà. Ngay sau khi xảy ra án mạng, dân làng đã kéo đến phá nát căn nhà của vợ chồng Dên bất chấp vợ Dên là H.T.D bụng chửa vượt mặt. Đối với đồng bào Xê Đăng, cái chết của con trai Dên là “cái chết xấu”. Không phá nhà Dên, con ma sẽ ám, mang lại những điều xui rủi cho cả làng. Vì không còn nhà, chị D. phải trở về nhà bố mẹ để sinh đứa con thứ 2 trong nỗi đớn đau tột cùng.

Người dân xã Trà Cang chung tay diệt lá ngón gần nhà

HOÀNG SƠN

Phá nhà của người “chết xấu” không xa lạ gì đối với người dân sinh sống dưới đỉnh Ngọc Linh. Luật tục này không chừa một ai. Từ người dân cho đến cán bộ, hễ đã chảy trong mình dòng máu Xê Đăng hoặc Ca Dong thì phải thuận theo ý của làng. Tôi nhớ cách đây gần 10 năm, cũng tại xã Trà Cang xảy ra vụ việc dân làng kéo đến phá tan tành căn nhà của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Kim Cúc sau khi vợ chồng bà qua đời. “Hồi đó, nhờ nhận được số tiền kha khá từ đền bù, chồng chị Cúc đã mua một chiếc ô tô. Rồi chị Cúc qua đời vì lâm trọng bệnh, khoảng vài tháng sau chồng chị cũng tử vong trong vụ lật ô tô. Hai cái chết liên tiếp được đồng bào Xê Đăng khẳng định là “cái chết xấu”. Tội nhất đứa con út của chị là Lê Hồng Phấn khi đó còn quá nhỏ phải chứng kiến cảnh những người làng phá nát căn nhà”, một cán bộ địa phương nhớ lại.

Nạn nhân của “cái chết xấu” gần như phải chịu nỗi đau kép và đẩy họ đến bước đường cùng. Cách đây 8 năm, xã Trà Tập rúng động bởi những vụ phá nhà liên tiếp vì “cái chết xấu”. Đau lòng nhất là gia cảnh của các cặp vợ chồng Hồ Văn Thiên, Hồ Thị Thôi (nóc Măng Lâng) và Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Thị Xoa (nóc Lấp Loa 1). Hai cặp vợ chồng này đều chết liên quan đến lá ngón. Mỗi gia đình đều có 4 đứa con đang độ tuổi ăn tuổi lớn, kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Dân làng phá nhà để “đuổi ma”, tiếp tục đẩy 8 đứa trẻ nheo nhóc thành những người vô gia cư…

Em Hồ Thị Vong (thứ 2 từ trái sang) cách đây 8 năm cùng với các em và bà nội trong căn nhà bị phá do “cái chết xấu”

Ám ảnh mang tên lá ngón

Khi vợ chồng Hồ Văn Thiên và Hồ Thị Thôi “chết xấu”, tôi ám ảnh với hình ảnh 4 đứa con cùng người bà ngồi rũ rượi trong căn nhà không còn lấy một tấm phên. Ánh mắt họ đờ đẫn. Trên má của những đứa trẻ, vệt nước mắt còn chưa khô. Hồi đó tôi cứ nghĩ, những gì còn lại của căn nhà sẽ được tận dụng để dựng lại, ít nhất là túp lều để che nắng che mưa. Nhưng không, chỉ vài ngày sau đó, người làng đã đem đuốc đến... đốt trụi. Bốn đứa trẻ phải về nương tựa với ông bà nội tuổi ngoài bát tuần. Cám cảnh, anh Nguyễn Hoàng Thọ (nay là Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT H.Nam Trà My) cùng thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp (thời điểm đó đang là Hiệu trưởng Trường THCS nội trú Trà Cang) đã vận động nguồn tài trợ mua đất, dựng lại một căn nhà nhỏ cho 4 đứa trẻ tá túc.

Tôi lần tìm và gặp lại em Hồ Thị Vong, con gái đầu của vợ chồng anh Thiên. Vong nay đang học lớp 12/1 Trường THPT Nam Trà My. Nhắc lại chuyện cũ, ánh mắt Vong đượm buồn. Đã 8 năm trôi qua, nhưng mỗi lần ngang qua khu đất dựng nhà cũ, Vong lại nhớ kỷ niệm với ba mẹ. Hồi đó, mẹ em ốm đau thường xuyên. Buồn phiền, một ngày hè năm 2014, mẹ ra sau nhà hái lá ngón về tự tử. Ba đau lòng quá chẳng thiết ăn uống gì, suốt ngày chỉ rượu chè và 2 tháng sau cũng ăn lá ngón. “Từ đó trở đi em ghét cây lá ngón lắm. Cây lá ngón mọc giữa rừng đã cướp mất ba mẹ em. Giờ thấy nó mọc ở đâu là em chặt bỏ liền”, Vong nói.

Ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang, cho biết không riêng gì ở địa bàn xã, hủ tục “cái chết xấu” vẫn tồn tại dai dẳng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền giữ lại nhà cửa của nạn nhân gần như không thể vì quan niệm phải dỡ bỏ để “đuổi ma”. Người mất thì đã mất rồi, nhưng người ở lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Lá ngón là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình vùng cao Nam Trà My

Nỗi lo rượu độc tuồn vào làng

Nhận thấy nhiều “cái chết xấu” có liên quan đến lá ngón, chính quyền xã Trà Cang đã ra sức tuyên truyền để bà con tìm diệt. “Ra quân diệt lá ngón mang tính tuyên truyền là chính, bởi ở núi rừng cứ ra khỏi nhà là gặp lá ngón. Nhưng phải làm như thế thì mới mong thay đổi nhận thức của người dân. Những người nghĩ quẩn muốn tìm lá ngón sẽ phải đi xa hơn, và có khi như thế lại thức tỉnh một con người. Hạn chế được những “cái chết xấu” cũng là hạn chế được tác hại của hủ tục phá dỡ nhà cửa”, ông Ngô Tấn Lạc chia sẻ.

Là người dành nhiều quan tâm trong xóa bỏ những hủ tục, Chủ tịch UBND xã Trà Cang nhận định, để dẫn đến những “cái chết xấu” đa phần có liên quan đến rượu. Chẳng hạn, Hồ Văn Dên trước khi sát hại con trai rồi tự sát đã uống rượu ở nhà bạn đến say mèm. Hay bố của em Vong buồn phiền sau cái chết của vợ, đã tìm đến rượu giải sầu rồi ăn lá ngón quyên sinh... “Địa phương cũng cố gắng tuyên truyền bà con không tìm đến lá ngón tự tử, nhưng không vì lá ngón thì cũng liên quan đến rượu bia… “Cái chết xấu” là một luật tục đã bén rễ sâu vào ý thức hệ của đồng bào. Phép vua thua lệ làng là ở chỗ đó”, ông Lạc nói.

Xây dựng thế hệ trẻ can đảm đối đầu hủ tục

Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú và THCS Trà Mai, cho rằng để thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số Nam Trà My về các hủ tục, cần thiết phải xây dựng thế hệ trẻ có đủ can đảm đấu tranh. “Thời gian qua, nhà trường luôn lồng ghép các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các em trong việc đấu tranh với các hủ tục, như ăn lá ngón, tảo hôn, “cái chết xấu”… Những nạn nhân của “cái chết xấu” như em Vong có thể nói chuyện với các em ở cấp học dưới sẽ rất thuyết phục”, thầy Điệp nói.

Một cán bộ địa phương nhìn nhận, việc quản lý rượu từ các nơi về Nam Trà My vẫn còn nhiều bất cập. “Rượu cồn pha chế rất dễ dàng, ở các làng rất nhiều. Người dân khi uống loại rượu này vào thì thần kinh thép cũng không chịu thấu”, vị cán bộ này nói. Theo ông, khâu quản lý rượu ở Nam Trà My nếu làm quyết liệt thì có thể kiểm soát được vì chỉ có một tuyến đường chở hàng hóa vào huyện.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, nhìn nhận chuyện hạn chế việc uống rượu say dẫn đến tự tử, nhất là tự tử bằng lá ngón, là “không đơn giản”. “Huyện cũng có các giải pháp kiểm soát nguồn gốc rượu nhưng cũng khó vì điều kiện ở các bản làng xa xôi”, ông Dũng nói. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, công an… tuyên truyền vận động, nhưng để thay đổi nhận thức về “cái chết xấu” cần phải làm kiên trì, không thể ngày một ngày hai.

Tôi rời Nam Trà My, vẫn chưa trả lời câu hỏi của em Hồ Thị Vong: những hủ tục của đồng bào em có chấm dứt được không? Rồi em nói về nỗi đau của chính mình: “Em mong mọi người đừng vì những mâu thuẫn nhỏ mà tìm đến rượu bia, lá ngón… Vì như thế “cái chết xấu” cứ ám hoài, rồi nhiều đứa trẻ sẽ mất cha mẹ, mất mái ấm như 4 chị em của em”. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.