Đại sứ các nước EU: 'Hộ chiếu vắc xin' rất hứa hẹn, nhưng còn phải đợi

23/03/2021 22:06 GMT+7

Nhấn mạnh còn nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan đến "hộ chiếu vắc xin", hay phía EU gọi là " chứng nhận xanh điện tử ", các Đại sứ EU cho rằng, viễn cảnh thế giới trở lại bình yên tuy hứa hẹn, nhưng vẫn còn phải đợi.

Chiều 23.3, tại buổi họp báo trước thềm lô vắc xin đầu tiên của chương trình Covax (EU là nhà tài trợ lớn nhất của chương trình này) có mặt tại Việt Nam, đại sứ các nước châu Âu đã trao đổi về viễn cảnh sử dụng "hộ chiếu vắc xin", mà phía EU gọi là “chứng nhận xanh điện tử” (digital green certificate).
Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Alberti lưu ý, dù báo chí nói nhiều về "chứng nhận xanh điện tử này", nhưng đây mới là đề xuất của Ủy ban châu Âu, đang thông báo cho các quốc gia thành viên để đi đến quyết định cuối cùng.
Ý tưởng là chính sách sẽ áp dụng cho những người đã tiêm chủng hoặc có kết quả PCR âm tính, những người đã có kháng thể, nhưng cũng phải tránh việc chỉ những người có vắc xin mới có thể đi lại, vì liên quan đến vấn đề về công bằng. Bên cạnh đó, phải tìm ra sự cân bằng giữa đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho mọi người đi lại.

9 đại sứ các nước EU và Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam đã có mặt tại buổi họp báo

Ảnh Đậu Tiến Đạt

Ông Alberti cũng lưu ý, vấn đề không chỉ là làm sao để một người được tiêm vắc xin để có thể đi đến các quốc gia khác (liên quan đến nguồn cung vắc xin cũng đang khan hiếm), mà còn là làm sao để thông tin liên thông giữa các quốc gia một cách chính xác (xử lý các vấn đề kỹ thuật).
“Đề xuất mới đang ở mức độ xem xét, để tìm ra các quy định phù hợp. Nó rất hứa hẹn, nhưng chúng ta vẫn còn phải đợi”, ông Alberti nói.

Hơn 1,1 triệu liều đã được phân bổ cho Việt Nam

Liên quan đến khả năng thụ hưởng của Việt Nam qua cơ chế Covax, Đại sứ Alberti cho biết, là một cơ chế toàn cầu, việc phân phối vắc xin theo Covax phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả đề nghị của Chính phủ Việt Nam, khả năng cung cấp vắc xin và cả nhu cầu của các quốc gia khác.
“Tình huống của Việt Nam là không quá khẩn cấp, vì số ca nhiễm không cao, nhưng tất nhiên việc có vắc xin càng sớm càng tốt là vô cùng cần thiết. Theo tôi được biết thì đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu liều, nghĩa là khoảng 15% dân số sẽ được tiêm. Năm tới, số lượng sẽ nhiều hơn vì mục tiêu là tiêm cho 20% dân số”, ông Alberti cho biết.

Các Đại sứ EU cho rằng việc EU cân nhắc không cho AstraZeneca xuất khẩu vắc xin sang Anh sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung vắc xin cho chương trình Covax

Ảnh Đậu Tiến Đạt

Covax là cơ chế của các bên cùng tham gia, với mục tiêu tập hợp 2 tỉ liều vắc xin cung ứng cho một phần dân số thế giới vào cuối 2021. "Team Europe" (nhóm các quốc gia châu Âu) là nhà tài trợ đầu tiên và đáng kể của Covax, hiện đã đóng góp số tiền 2,6 tỉ USD, chiếm 40% ngân sách của cơ chế này.
Một số quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp đã được chọn để cung ứng vắc xin theo cơ chế này, trong đó có Việt Nam.
Đến nay, Covax đã cung cấp 324.000 liều vắc xin cho Campuchia, nửa triệu liều cho Philippines và khoảng 1,176 triệu liều được phân bổ cho Việt Nam. Phía EU hi vọng nguồn cung ứng này sẽ tiếp tục trong khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, đạt được mục tiêu bao phủ 20% dân số các quốc gia được lựa chọn tham gia cơ chế.
Phía EU cũng nhấn mạnh mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, quan điểm “không ai an toàn cho đến khi tất cả an toàn”, thể hiện mong muốn thúc đẩy sự đoàn kết toàn cầu trong chống lại đại dịch, coi vắc xin là một hàng hoá công cộng để ngăn ngừa virus và các biến thể có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Vắc xin không phải là cuộc đua giữa các quốc gia mà là cuộc đua với thời gian và chúng tôi muốn mong chấm dứt dịch bệnh này vĩnh viễn”, Đại sứ Alberti nhắc lại lời một Cao ủy EU.
Đại sứ Đức Guido Hildner cũng cho biết, có những đồng nghiệp và bạn bè Việt Nam đã hỏi ông là liệu EU, Đức sẽ gửi cho Việt Nam bao nhiêu liều vắc xin, nhưng phía EU tin rằng, cách thức hiệu quả nhất là thông qua một cơ chế toàn cầu để mang vắc xin đến cho những người cần, chứ không phải dựa trên những tính toán chính trị.
Chính vì lẽ đó, nên mặc dù số đóng góp của Đức là lớn, (cứ mỗi đồng được sử dụng trong cơ chế Covax có 1/5 đồng là của Đức, tính chung cả EU thì tỷ lệ là hơn 1/3, theo Đại sứ Hildner), nhưng Đức vẫn chọn cơ chế phân phối đa phương để đảm bảo sự công bằng.
Với tư cách là Chủ tịch G20 trong năm 2021, Đại sứ Ý cho biết, nước này sẽ đảm bảo chương trình nghị sự của nhóm này có nội dung ứng phó với đại dịch, làm sao tất cả các nước trên thế giới đều có thể tiếp cận với vắc xin.
Ngoài vắc xin AstraZeneca được sử dụng trong chương trình Covax vì dễ bảo quản và vận chuyển, các vắc xin khác chắc chắn sẽ được cân nhắc, ví dụ Moderna, Pfizer, theo các Đại sứ EU.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.