'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Những nhịp cầu hữu nghị trẻ trung

22/05/2023 10:10 GMT+7

Jung In-woong còn nhớ khi mới học tiếng Việt, một lần vào quán cà phê ở TP.HCM, anh đứng ngẩn ra một lúc khi nhân viên hỏi "anh uống ở đây hay mang về?". Một lúc sau, Woong mới hiểu "mang về" và "mang đi" giống nhau, đều là "take away", dù trong tiếng Việt "đi" và "về" khác nhau.

"Tiếng Việt khó học. Vì có các thanh điệu sắc, huyền, ngã, hỏi, nặng, ngang, còn tiếng Hàn thì không. Nhưng từ khi ở TP.HCM, đi chợ, siêu thị, hàng quán cà phê, đi du lịch… tôi không nói tiếng Anh mà đều dùng tiếng Việt để mình tiến bộ thêm mỗi ngày", Jung In-woong (25 tuổi), sinh viên năm 3, chia sẻ. Buổi cà phê giữa PV Thanh Niên cùng các bạn sinh viên người Hàn Quốc đang học Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đầy ắp tiếng cười. 6 sinh viên - mỗi người một lý do, cơ duyên đến học ở VN nhưng đều có một lựa chọn "sẽ tiếp tục làm việc ở VN sau khi tốt nghiệp".

MỐI DUYÊN Ở VN

Jung In-woong đến VN học ĐH từ lời giới thiệu của người chú đang làm việc ở Quy Nhơn (Bình Định). Woong đi xe máy thành thạo và rất thích văn hóa cà phê trẻ trung của TP.HCM. "Nhịp sống ở Hàn rất nhanh, vội vã, bạn khó có thể bắt gặp ai đó ngồi nhâm nhi ly cà phê bên vỉa hè dù sáng, trưa, hay chiều muộn", anh kể.

'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Những nhịp cầu hữu nghị trẻ trung  - Ảnh 1.

Shin Jae-ho ngày càng yêu cuộc sống tại TP.HCM

Jung In-woong không phải người Hàn hiếm hoi có người thân đang sinh sống, làm việc tại VN. Ví dụ như Shin Jae-ho (25 tuổi) chẳng hạn. Mẹ anh đang làm việc tại Đồng Nai, hai mẹ con hay gặp nhau, cùng ăn cơm, trò chuyện. VN như thế lại càng như một quê hương thật sự của anh.

Còn Noh Seung-ju (27 tuổi) cũng tương tự, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và làm việc được 1 năm ở Hàn Quốc, nghe người thím đang làm việc tại TP.HCM kể nhiều về đất nước này, anh quyết tâm tới đây học ĐH.

Ở khía cạnh khác, nhiều người trẻ Hàn Quốc yêu thích kinh doanh và nhìn thấy những tiềm năng lớn trong sự nghiệp ở VN, khi sự hợp tác, kết nối giữa hai quốc gia ngày càng mạnh mẽ. Lee Jo-eun (22 tuổi), học ĐH ChungWoon của Hàn Quốc, đang là sinh viên trao đổi tại Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Thích VN và học tiếng Việt từ lúc ở Hàn, cô cũng từng tham gia thuyết trình tại một trường ĐH ở Hà Nội.

"Bố tôi làm việc trong lĩnh vực tư vấn thương mại quốc tế, có nhiều đối tác ở VN. Từ đó, gia đình tôi đều rất quan tâm tới VN, bố nói VN đang ngày càng phát triển, sự hợp tác kinh tế giữa VN và Hàn Quốc càng sâu rộng, cơ hội việc làm cho những người trẻ Hàn Quốc hiểu về VN, giỏi tiếng Việt là rất lớn", nữ sinh viên bộc bạch.

Còn An Mi-ji (33 tuổi) đã tốt nghiệp ĐH tại Hàn chuyên ngành giảng dạy tiếng Hàn, cô sang VN tiếp tục học thêm chuyên ngành Việt Nam học với lý do không thể thuyết phục hơn: gia đình cô sở hữu công ty sản xuất bánh kẹo, và có chi nhánh tại Bình Dương.

Mi-ji luôn tin rằng khi mình học ĐH ở VN, hiểu hơn về văn hóa, truyền thống, con người, thói quen tiêu dùng nơi đây, cô sẽ hỗ trợ tốt nhất cho gia đình trong lĩnh vực kinh doanh.

'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Những nhịp cầu hữu nghị trẻ trung  - Ảnh 2.

Jung In-woong thích văn hóa cà phê tại VN

HỌC TIẾNG VIỆT TỪ YouTube Báo Thanh Niên

Những người bạn Hàn Quốc ở TP.HCM đều khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác về trình độ tiếng Việt của họ. Nói tiếng Việt hay, duyên dáng, hài hước, dùng tiếng "lóng" chuyên nghiệp, Park Seong-uk (24 tuổi) cho hay anh học tiếng Việt một phần từ Báo Thanh Niên. "Tôi là khán giả thường xuyên của YouTube Báo Thanh Niên nhiều năm rồi. Mỗi video đều có phụ đề tiếng Việt nên vừa xem, vừa có thông tin, cũng là cách học tiếng Việt rất hiệu quả", anh nói. Chàng trai này đi xe máy rất giỏi, dù ban đầu còn hơi choáng với sự tắc đường, giao thông đông đúc ở VN. "Hôm ấy tôi mới tập xe máy, người ta nói đi xe tay ga thì như xe đạp, vặn ga xong rồi bóp phanh. Tôi vặn ga mạnh quá, xe tông vào tường, may không sao. Sau này tôi đi xe côn, hôm đó đang đi giữa đường, bóp côn kiểu gì mà xe chết máy ngay ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập (Q.7), người dân phải xúm vào, kéo xe cho tôi vào lề", anh cười sảng khoái.

Park Seong-uk đi làm thêm từ năm nhất ĐH trong các siêu thị Hàn Quốc ở TP.HCM và hiện tại dù mới sinh viên năm 3 nhưng anh đã là quản lý siêu thị trong một trường quốc tế ở Q.7.

ĐIỆU NHẢY SEE TÌNH Ở XỨ KIM CHI

'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Những nhịp cầu hữu nghị trẻ trung  - Ảnh 3.

Lee Jo-eun với nón lá VN, nơi đây như quê hương của cô

NVCC

Không chỉ học tập, trải nghiệm cuộc sống, mỗi sinh viên người Hàn ở TP.HCM đều đang ấp ủ một dự án nhỏ cho riêng mình, để làm sao có thể giới thiệu nhiều hơn về Hàn Quốc tới VN, cũng như tăng cường kết nối giữa cộng đồng học sinh, sinh viên VN và Hàn Quốc.

'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Những nhịp cầu hữu nghị trẻ trung - Ảnh 4.

An Mi Ji thổi sáo và hát tiếng Việt bài Bèo dạt mây trôi

NVCC

Noh Seung-ju, chàng trai yêu bóng đá thích tổ chức một giải bóng đá nhỏ giữa các sinh viên Hàn Quốc đang học tập, làm việc tại TP.HCM cùng những người bạn VN khác. Thể thao luôn có một năng lực đặc biệt để kết nối những trái tim lại gần nhau hơn và quảng bá hình ảnh tốt đẹp về con người của mỗi quốc gia. Còn An Mi-ji - người nhảy rất đẹp bài See tình của Hoàng Thùy Linh - cho hay ai ở Hàn Quốc cũng biết tới điệu nhảy này, cũng như nhiều bạn trẻ VN có thể nhảy K-Pop. Âm nhạc luôn có một sức mạnh lớn lao trong việc kể chuyện và kết nối, không có khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ. "Tôi đang nghĩ tới một dự án nào đó mà mình có thể phổ biến hơn những ca khúc đang thịnh hành ở VN tới giới trẻ Hàn và ngược lại", cô nói.

'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Những nhịp cầu hữu nghị trẻ trung  - Ảnh 4.

6 sinh viên người Hàn đang học tại Khoa Việt Nam học (từ trái qua): Park Seong-uk, Lee Jo-eun, An Mi-ji (hàng đứng); Jung In-woong, Noh Seung-ju, Shin Jae-ho (hàng ngồi) cùng tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Lâm

THÚY HẰNG

Trong khi đó, Jung In-woong lại rất hy vọng làm sao để hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai quốc gia phát triển mạnh mẽ hơn, để ngày càng nhiều học sinh, sinh viên VN qua Hàn Quốc du học và ngược lại. "Tôi muốn khuyên ai qua Hàn cũng nên ăn thử thịt bò nướng. Và nếu bạn qua VN du lịch hay du học, chắc chắn bạn phải ghé đảo Phú Quốc - nơi được ví như đảo Jeju của xứ Hàn", anh nói.

Các sinh viên người Hàn Quốc trong những hoạt động tại Khoa Việt Nam Học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

NVCC

Với Lee Jo-eun, sau khi kết thúc thời gian học tập ở VN, cô dự định xin việc vào một tập đoàn của Hàn Quốc tại VN, trước khi bắt đầu start-up với một dự án của riêng mình ngay TP lớn nhất VN. Cô hạnh phúc cho biết mới đây mẹ cô đã qua TP.HCM sống cùng con gái và đang học tiếng Việt. Nữ sinh viên 22 tuổi cho hay sự hợp tác, phát triển kinh tế mạnh mẽ giữa hai quốc gia từ trước đến nay luôn là động lực cho việc cố gắng học hỏi kiến thức chuyên môn và tiếng Việt của cô cùng mẹ tốt lên mỗi ngày...
(còn tiếp) 

BẮC NHỮNG NHỊP CẦU

Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Lâm, Phó trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết những sinh viên người Hàn tại TP.HCM năng động, thân thiện và có nhiều cách rất sáng tạo để quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế. Như kênh YouTube tên Hahyun của một học trò đăng tải hàng loạt video về cuộc sống, văn hóa các vùng miền của VN với vô số món ăn ngon, phụ đề bằng tiếng Hàn và tiếng Việt; Hoặc nữ sinh viên An Mi-ji, bên cạnh những điệu nhảy hiện đại của các ca sĩ VN, cô còn hát được nhiều bài dân ca mộc mạc… "Để vào học chương trình ĐH ở Khoa Việt Nam học, các bạn ấy đã phải có chứng chỉ năng lực tiếng Việt A2 (sơ cấp), tuy nhiên chỉ sau một thời gian cùng học tập, trải nghiệm thực tế ở VN, trình độ tiếng Việt của tất cả các bạn đều phát triển rất mau. Sự gắn kết, am hiểu văn hóa, phong tục của các bạn khiến ai đó nếu không nghe giới thiệu quốc tịch, có thể cũng nghĩ bạn ấy chắc chắn là người Việt", thầy Lâm nhận xét về các học trò của mình.

Theo thầy Lâm, mỗi sinh viên người Hàn ở VN là một đại sứ văn hóa của xứ sở kim chi, cũng là người bắc những nhịp cầu hữu nghị giữa hai quốc gia càng thêm thấu hiểu nhau hơn, có những sự hợp tác toàn diện trên nhiều mặt hơn nữa …

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.