Dự án Trường học không rác đang được triển khai tại nhiều trường học ở Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. Dự án do Liên minh Toàn cầu các giải pháp thay thế đốt rác (GAIA) tài trợ, với sự hướng dẫn triển khai của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.Đà Nẵng, Trung tâm nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB), Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), dự án Green Building & Refill Station (UNDP).
“Xả rác dễ, xử lý rác quá khó”
Tại Trường tiểu học Lê Lai, một trong số các trường học tham gia dự án Trường học không rác ở Đà Nẵng, các học sinh tỏ ra hào hứng khi “tiếp cận” khu vực rác thải, phân loại rác. Các em kiểm đếm kỹ lưỡng để xem tổng lượng rác thải ra mỗi ngày tại trường là bao nhiêu.
Lê Trần Hoàng Việt (lớp 5/2, Trường tiểu học Lê Lai) cho biết trong lớp em có 10 tình nguyện viên tham gia phân loại rác tại trường. Việt và các bạn bắt đầu công việc bằng “công đoạn” phân chia từng loại hộp sữa, tháo riêng ống hút, hộp sữa chua, phân loại bao ni lông có màu và không màu... “So với việc xả rác ra môi trường thì việc hạn chế và phân loại rác rất khó, rất vất vả... Sau buổi phân loại rác, con nghĩ con sẽ không dễ dàng thải rác ra môi trường nữa. Sử dụng các sản phẩm cũng sẽ có kế hoạch hơn, giảm thiểu sử dụng ni lông và nhựa”, Việt nói.
Hiểu được nỗi cực nhọc này, Việt cùng các bạn nhỏ giao ước tự giác phân loại rác, rác tái chế và rác tiêu hủy sau sử dụng. Các em càng “thấm” với chuyện rác dồn lại rất hôi thối, nếu ngay từ đầu bỏ đúng chỗ thì sẽ không phải phân loại vất vả. Công việc cũng gợi cho các em những bài học đầu tiên về môi trường thật thú vị.
Nguyễn Đoàn Tùng Chi (Trường tiểu học Lê Lai) cho biết: “Từ nay con sẽ ít dùng đồ ni lông và nhựa để giảm thiểu chuyện thải chúng ra môi trường. Nếu dùng thì con cũng sẽ phân loại tại nguồn. Xả rác thì dễ mà xử lý rác quá khó. Về nhà, con cũng sẽ... nhắc nhở ba mẹ hạn chế rác thải, hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần”.
Lan tỏa chiến dịch
Cô giáo Lý Ngọc Quỳnh Mai, Tổng phụ trách Đội (Trường tiểu học Lê Lai, cơ sở 2), thổ lộ không chỉ trò mà cả thầy cô cũng háo hức với các hoạt động bảo vệ môi trường, muốn làm một cái gì đó để truyền cảm hứng.
“Khi vận động các em tham gia, chúng tôi hy vọng các em ý thức tốt về gánh nặng môi trường, giảm lượng rác mà các em thải ra hằng ngày. Các “đại sứ nhí” cũng sẽ nhắc nhở, vận động những bạn học sinh còn lại, dần tiến đến toàn trường cùng hành động vì mục tiêu trường học không rác”, cô Mai kỳ vọng.
Trực tiếp hướng dẫn học sinh kiểm toán rác, anh Trần Đăng Trung (điều phối viên của CAB) cho biết dự án Trường học không rác đang giúp các trường chú trọng vấn đề môi trường. Các điều phối viên sẽ giúp các trường kiểm toán rác để đánh giá đầu vào, truyền thông, xây dựng giải pháp can thiệp, cho học sinh thực hành phân loại rác tại trường, hướng dẫn tái chế và làm phân từ rác hữu cơ.
“Rác thải từ phía học sinh chủ yếu là hộp sữa, sữa chua, bao bì bánh kẹo, hộp xốp đựng thực phẩm, bao ni lông... Chúng tôi đồng hành cùng các trường hướng đến mục tiêu giảm thiểu 30% lượng rác thải nói chung và 20% lượng rác thải nhựa nói riêng”, anh Trung nói.
Chị Lê Thị Trang, điều phối viên của dự án Trường học không rác tại Đà Nẵng, chia sẻ: “Sau khi được học sinh phân loại, rác sẽ chuyển đi cân để xác định lượng rác thải mỗi ngày, gồm rác thải gì... ở từng điểm trường tiểu học. Với từng loại chai nhựa, hộp sữa thì các thành viên dự án cũng tiếp tục đánh giá, xem các bạn nhỏ thường xuyên tiêu thụ hàng của nhãn hiệu nào nhất để có báo cáo tác động, khuyến nghị cho các tập đoàn sản xuất cùng có trách nhiệm hành động vì môi trường”.
Bình luận (0)