341 công dân Việt hạ cánh an toàn vào ngày 19.5
Chứng kiến người dân trong nước bắt đầu quay trở lại cuộc sống sau cách ly xã hội, ông Phạm Sanh Châu (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại 3 nước Ấn Độ, Nepal và Bhutan) luôn tự hào và cảm phục về quê hương Việt Nam.
Bên cạnh niềm vui đó ông vẫn canh cánh nỗi lo cho sự an toàn của hàng trăm đồng bào đang mắc kẹt tại 22/28 bang của Ấn Độ. Vì vậy, ngay sau khi tổ chức chuyến bay thương mại cuối cùng để sơ tán bà con về Việt Nam ngày 22.3, Ông Châu và các cộng sự đã lập tức thống kê những người còn kẹt lại ở Ấn Độ rồi lên kế hoạch bảo hộ công dân, đưa họ về nước.
|
|
Chia sẻ với Thanh Niên, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng: “Ngay sau khi Thủ tướng có chỉ thị xem xét ưu tiên những người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 18 tuổi, những người bị bệnh và những người đã hết hạn visa có nguy cơ bị trục xuất, chúng tôi đã lên danh sách và gọi đó là “danh sách chốt hạ”, tập hợp những người đạt tiêu chuẩn để khi Chính phủ cho phép sẽ đưa về nước ngay”.
Dù công dân Việt bị kẹt lại Ấn Độ không thuộc diện được ưu tiên đưa về nước ngay nhưng trong thời gian chờ đợi xin chuyến bay đưa đồng bào về nước, ông Châu liên tục kêu gọi người dân tập trung về Đại sứ quán để chuẩn bị sẵn sàng.
Ông Châu gọi đó là chiến dịch Hoa Kim Tước. Mục đích để hỗ trợ những người dân Việt Nam mắc kẹt ở Ấn Độ về nước, trong đó chủ yếu là các tăng ni, Phật tử.
|
“Trong chiến dịch này, đầu tiên chúng tôi mua vé máy bay, tập trung bà con về New Delhi và cuối cùng là hỗ trợ bà con lên chuyến bay về quê hương. Rất khó khăn để tập trung vì bà con ở rải rác nhiều bang của Ấn Độ và có người lại đang tu trong chùa nên không cập nhật được tình hình. Chúng tôi đã thuê 3 chuyến bay nội địa đặc biệt từ Bangalore, Pune và Gaya bay về New Delhi sáng 19.5 để kịp nối với chuyến về Việt Nam trong tối cùng ngày”, ông Châu nói.
“Việc thuê máy bay riêng gặp nhiều yêu cầu khắt khe về thủ tục của hãng bay, cơ quan cấp phép bay, các sân bay và Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Bên cạnh đó, việc di chuyển bằng đường bộ cũng rất khó khăn. Vì thế, Đại sứ quán đã nỗ lực xin phép Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương (nơi bà con đang cư trú và sẽ đi qua) đồng ý cho bà con giấy thông hành để di chuyển giữa các bang đi đến sân bay”, Đại sứ cho biết thêm.
|
|
|
|
Sau khi 5 "cánh quân" từ các bang hội tụ về New Delhi, đã có một số trường hợp có vấn đề về thủ tục, visa hay có người không biết viết… Một lần nữa, ông Châu cùng cộng sự hỗ trợ ngay vì nếu để chậm trễ, rất có thể chuyến bay sẽ bị hủy.
Dù gặp không ít thử thách nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm và sự quyết đoán, Đại sứ Phạm Sanh Châu luôn cương quyết giữ mốc ngày 19.5 phải hoàn thành chiến dịch và thực tế, bà con về nước an toàn đúng kế hoạch.
Với ông chiến dịch thành công tốt đẹp cũng là hành động thiết thực để kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Tôi chỉ ngủ yên khi đồng bào hạ cánh an toàn"
Trong sự nghiệp hoạt động đối ngoại hơn 37 năm của mình, Đại sứ Phạm Sanh Châu chưa bao giờ phải gắn bó sâu sắc với công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, với từng số phận của hàng trăm con người như vậy.
“Tôi biết ở Ấn Độ có nhiều người Việt sang học về Phật giáo và tu tập, nhưng đến hôm nay tôi mới hiểu rõ mỗi tăng sinh, ni sinh học ở đây dù bậc đại học, cao học hay tiến sĩ đều đã gom góp rất nhiều để được sang học. Họ đều đến từ các chùa, đền, viện ở khắp Việt Nam. Họ quy y cửa Phật không phải là để buông bỏ hoàn toàn mà để đến với một thế giới tâm linh với kiến thức uyên thâm mà chỉ có sự học hành mới mang lại”, ông Châu nhận định.
|
|
|
|
Liên tục chứng kiến những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, giằng xé giữa muốn về nước nhưng không có tiền hay ở lại nhưng không biết ăn, ở, sống thế nào... ông Châu và cộng sự thường xuyên động viên trước sự bế tắc và tuyệt vọng của họ.
|
|
Chiến dịch Hoa Kim Tước341 người Việt về đến Việt Nam an toàn
Tổng quãng đường di chuyển: 28.989 km
Tổng số phương tiện: 76 ô tô; 4 máy bay (3 Airbus 320, 1 Boeing 787-10)
Tổng thời gian di chuyển: 643 giờ
Tổng chi phí: 175.017 USD
Tổng số cuộc gọi điện: 6.568 cuộc
Tổng số văn bản gửi về nước và chính quyền Ấn Độ: 215 văn bản
Tổng số cán bộ tham gia chiến dịch: 31 cán bộ
Tổng số cuộc họp toàn bộ Ban Chỉ đạo: 11 cuộc
|
Ông Châu nhớ lại: “Có người mẹ cùng con đi tu nhưng cả hai mẹ con đều hết tiền. Có người trong túi chỉ còn đúng 1,5 triệu đồng. Có người chủ chỉ hỗ trợ tối đa 50 USD trong khi cả chặng đường tổng chi phí lên đến hàng ngàn đô la Mỹ. Ai cũng đắn đo suy nghĩ, căn từng đồng, từng hào một. Họ quyết định về rồi lại rút khiến chúng tôi phải suy nghĩ”.
Nhìn đồng bào muốn về nước nhưng không đủ chi phí, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức một cuộc quyên góp được tiền để mua 15 vé máy bay nội địa, 5 vé quốc tế, hỗ trợ giảm giá cho 15 vé nội địa và quốc tế. Ông Châu cùng cộng sự còn nhận được sự chung sức của các nhà hảo tâm và một số bạn bè từ Việt Nam.
“Tôi không muốn nhưng chuông điện thoại cứ đổ đến, danh sách người muốn về cứ kéo dài. Tôi hiểu sức ép sẽ rất nặng nề cho cán bộ phòng Lãnh sự và Bảo hộ công dân nên tôi nói Phòng cho số điện thoại cá nhân của tôi cho bất kỳ bà con nào muốn nói chuyện với Đại sứ để bà con gọi. Tôi cũng chủ động gọi khi thấy có cuộc gọi nhỡ hay có câu hỏi được đưa lên trên mạng xã hội”, Đại sứ bộc bạch.“Tôi chỉ có thể ngủ yên khi đồng bào của tôi đã hạ cánh an toàn, về đến Việt Nam, người dân nhắn tin, gửi thư cảm ơn ĐSQ liên tục. Tôi thấy nhẹ lòng hơn hẳn. Và chúng tôi, những người lính ngoại giao vẫn sẽ tiếp tục ở lại đây làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó!”, ông Châu xúc động.
Bình luận (0)