Đại sứ thời Covid-19

11/02/2021 06:00 GMT+7

Ngót một năm trời, gia đình Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan 4 người ở 4 nơi không thể gặp nhau. Nhưng giữa muôn trùng bủa vây của đại dịch Covid-19 , nữ đại sứ vẫn thu xếp được cho một đoàn doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam.

 

Trái tim xẻ bốn

Phu quân của Đại sứ Linh Lan là Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi. Ngày bà rời Việt Nam đi sứ Thụy Sĩ vào tháng 3.2019, ông đang là đại sứ ở Trung Quốc. Nửa năm sau, ông về nước, trở lại vị trí thứ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài. Hai con gái sinh đôi của ông bà, một cô đang học ở Pennsylvania (Mỹ), một cô ở Sydney (Úc).
“Cuối tháng 1.2020, anh Khôi có sang thăm mình vào dịp tết. Hết tết, anh về lại Việt Nam thì vài tuần sau dịch Covid-19 tấn công Thụy Sĩ. Từ đó đến nay, gia đình không ai được gặp nhau!”, bà Lan bùi ngùi chia sẻ.
Khi đang là đại sứ ở Mexico, bà Linh Lan từng chứng kiến trận động đất 8,1 độ Richter tháng 9.2017, khiến hàng chục người thiệt mạng ở thủ đô nước này. Bà cũng từng là tham tán ở Mỹ, sống trong những ngày hoang mang hậu khủng bố 11.9.2001. Nhưng, “chưa có nỗi bất an nào lớn bằng Covid-19”.
Bà nhớ lại: “Ngày 25.2.2020, khi sứ quán đón Tham tán Thương mại mới từ Việt Nam sang nhận công tác, mọi người còn hoan hỉ với nhau rằng Thụy Sĩ chưa có ca nhiễm Covid-19 nào. Không ngờ, ngay chiều hôm đó, nhà chức trách sở tại công bố ca nhiễm đầu tiên”.
Từ đó, số ca tăng chóng mặt, đưa Thụy Sĩ lên hàng top quốc gia có tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cao nhất châu Âu trong một thời gian ngắn. Đến ngày 13.3 thì chính phủ phải tuyên bố đóng cửa trường học, các điểm kinh doanh, hoạt động thể thao, văn hóa. “Mình đi làm về, ghé siêu thị thấy các kệ hàng trống trơn. Tự nhiên có một nỗi sợ hãi chạy lan khắp người. Không thể tin được cảnh tượng này ở quốc gia giàu có và bình yên như Thụy Sĩ”, bà chia sẻ.
Giữa lúc đó, Việt Nam cũng oằn lưng vì những ca bệnh nhập cảnh từ Anh quốc. Vừa lo ở Thụy Sĩ, vừa ngóng tình hình bên nhà, vừa thắc thỏm vì các con ở xa, trái tim bà như bị cắt thành nhiều mảnh. “Trong lúc Covid-19 hoành hành, công việc đình trệ, không khí ảm đạm, người khác có gia đình bên cạnh. Còn mình thì cứ ngóng tứ phương. Nhà 4 người ở 4 châu lục”, người phụ nữ 54 tuổi ngậm ngùi.

Vượt lên nỗi sợ hãi

Nhưng là người “đứng mũi chịu sào” trước sự bình an của hơn chục nhân viên sứ quán và gia đình họ, trước nỗi hoang mang và nhu cầu về nước của công dân Việt, trước nhiệm vụ duy trì quan hệ thường xuyên giữa hai chính phủ, Đại sứ Linh Lan không cho phép mình yếu đuối. Bà đã nhanh chóng vượt qua nỗi sợ hãi khi Tập đoàn bảo hiểm Bảo Việt chấp nhận trả chi phí y tế cho cán bộ công tác ở nước ngoài không may bị mắc Covid-19, khi có sự chia sẻ từ những nữ đồng nghiệp của các quốc gia khác tại Bern.
“Trưởng ban Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cũng là nữ nên có lẽ thấu hiểu. Bà ấy đã lập một nhóm chat gồm các nữ đại sứ nước ngoài trên ứng dụng WhatsApp. Qua đó, bọn mình thường xuyên chia sẻ, cập nhật tình hình, thông báo cho nhau mỗi khi có tin mới về xuất nhập cảnh, biện pháp phòng dịch, thuốc điều trị, vắc xin... Nhờ vậy mà mình thấy yên tâm hơn”, bà kể.
Đầu tháng 7.2020, tình hình bệnh dịch tạm lắng, được chuyển giao từ đồng nghiệp Malaysia, Đại sứ Linh Lan nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN tại Bern và lập tức tổ chức các cuộc họp nội nhóm, với chính quyền sở tại. Bà chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ Guy Parmelin nhân quốc khánh nước này (ngày 1.8), và nhiều kế hoạch khác.
Nhưng đến cuối tháng 7, Covid-19 bất ngờ quay trở lại Việt Nam, chuyến thăm của ông Parmelin bị hủy. Tại Thụy Sĩ, bệnh dịch cũng có dấu hiệu tăng lên, lễ mừng quốc khánh phải cắt bỏ. Rồi châu Âu vào thu, dịch bùng phát lại. Nhận bức thư và xâu hành tỏi từ Trưởng ban Lễ tân tiểu bang Bern gửi tặng vào cuối tháng 11, Đại sứ Linh Lan thấy cay cay nơi khóe mắt. Bức thư viết rằng, lần đầu tiên trong 101 năm qua, lễ hội hành tỏi (Oignon Market) truyền thống của tiểu bang phải hủy bỏ vì Covid-19, ảnh hưởng nặng nề lên người nông dân.
Nhưng lần này Đại sứ Linh Lan đã bình tĩnh hơn. “Hy vọng sang năm sẽ khá hơn. Thụy Sĩ đã đặt mua gần 16 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 8 triệu dân. Chắc thể nào mình cũng được một mũi”, bà hóm hỉnh.
Đại sứ thời Covid-19

Bức thư và xâu hành tỏi do Trưởng ban Lễ tân tiểu bang Bern gửi tặng Đại sứ Lê Linh Lan

Ảnh: Linh Lan

350 triệu USD vào Việt Nam

Từ cuối tháng 3.2020, con đường từ châu Âu vào Việt Nam cho người đi ngắn ngày coi như đã đóng sập, trừ một vài chuyến thăm của chính khách cấp cao. Thế nhưng, Đại sứ Linh Lan đã mở được lối cho đoàn doanh nhân 10 người từ 3 nước Thụy Sĩ, Đức và Israel vào Hà Nội và TP.HCM từ ngày 22 - 29.11.
Đoàn do nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler dẫn đầu, mang theo cam kết đầu tư hơn 350 triệu USD vào lĩnh vực kỹ thuật số, sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân ngành y tế và hạ tầng du lịch tại Việt Nam. Việc chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài gần 3 tháng, mà Đại sứ Linh Lan là người trực tiếp viết thư, gọi điện, thuyết phục các đơn vị hữu quan tại Việt Nam.
Nhưng vào ngày cuối trước khi đoàn lên đường thì xảy ra tình huống “đau tim” do phiếu kết quả xét nghiệm Covid-19 của ông Rösler không có chữ “RT” (viết tắt của từ Real-time trong thủ thuật xét nghiệm Polymerase Chain Reaction - PCR) như yêu cầu của Việt Nam. Hãng hàng không Qatar vì thế mà không đồng ý xuất vé bay cho ông ấy. “Thủ tướng đã lên lịch tiếp. Không thể vì lý do lãng xẹt vậy mà phải hủy chuyến đi”, Đại sứ Linh Lan quyết liệt.
Một mặt, bà nhắn tin, chuyển tờ kết quả xét nghiệm cho các cơ quan trong nước, quả quyết rằng đó là xét nghiệm RT-PCR, nhưng do phía Thụy Sĩ viết khác. Mặt khác, ông Rösler chạy khắp Zurich để xin bằng được một tờ giấy khác có chữ “RT”. May thay, sau nhiều giờ nỗ lực, ông Rösler đã có được tờ giấy như yêu cầu.
Đoàn ông Rösler đến Việt Nam trong sự đón tiếp trọng thị, tưng bừng và trở về bình an sau chuyến đi mà các nhà ngoại giao đánh giá là nhờ Đại sứ Linh Lan đã biến một việc gần như không thể thành có thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.