|
Thưa Đại sứ Trương Triều Dương, khi siêu bão Haiyan tàn phá thành phố Tacloban, nhiều bà con người Việt ở đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại sứ quán đã có biện pháp giúp đỡ nào?
Sau khi bão Haiyan (bão Hải Yến) tàn phá Tacloban, Đại sứ quán đã tìm mọi cách để nắm thông tin về số người Việt sinh sống tại đây. Nếu có người Việt thì phải tìm cách đưa ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến sáng 12.11, thông qua các nguồn tin từ cộng đồng, báo chí, chúng tôi biết được là có người Việt gặp nạn ở Tacloban. Đại sứ quán lập tức liên hệ với quân đội Philippines, Đại sứ quán các nước Mỹ và Singapore để nhờ đưa cán bộ xuống Tacloban giải cứu người Việt.
|
Tuy nhiên, do hoàn cảnh rất khó khăn, các nước chỉ hứa hẹn hỗ trợ chở 2 người kèm 2 ba lô xuống Tacloban, mà đòi hỏi của nhiệm vụ này thì cần người, hàng cứu trợ.
Vì thế chúng tôi phải tự lực, tìm đường khác. Đại sứ quán đã cử hai cán bộ từ Manila bay xuống Cebu, rồi qua Ormoc, nơi người Việt đã tập trung tại đây theo hướng dẫn của Đại sứ quán.
Qua sự đóng góp của nhiều nguồn, trong đó cán bộ nhân viên Đại sứ quán trích mỗi người một ngày lương và tự nguyện đóng góp thêm nhiều tài vật khác, chúng tôi đã mua thuốc men, mì gói, lương khô xuống trao cho bà con di tản tới Cebu và Ormoc.
Các cán bộ cũng đã xuống Tacloban để giúp đưa người Việt Nam ra khỏi đây. Dù tình hình an ninh lúc đó rất nguy hiểm, cướp bóc, nổ súng xảy ra nhiều và điều kiện xăng dầu, đi lại cực kỳ khó khăn, nhưng đoàn công tác đã đến tận nơi, gặp và giúp đỡ bà con mình.
Điều may mắn nhất là không có người Việt nào thiệt mạng trong bão. Đến nay thì mọi người đã ra khỏi vùng nguy hiểm. Công tác vừa qua của sứ quán nói chung được đánh giá rất cao.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, hiện có 28 người Việt đang lánh nạn tại Cebu, Bohol và Sogod trong đó 25 người muốn về nước nhưng gặp khó khăn về giấy tờ và vé máy bay. Đại sứ quán có thể giải quyết thủ tục cũng như hỗ trợ vé máy bay để đưa đồng bào về nước?
Cái khó trong việc này là thủ tục, giấy tờ, vì nhiều người Việt sống ở đây không có giấy tờ. Vì vậy, các trường hợp báo về thì cần phải thẩm định.
Nếu là người từng làm giấy tờ ở Đại sứ quán và giờ bị mất do điều kiện bão lũ, thì việc cấp lại rất dễ, giải quyết ngay trong ngày. Còn những người mất hết giấy tờ và không có gì chứng minh nhân thân thì cần cung cấp đầy đủ thông tin để chúng tôi xác minh tại chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở Việt Nam. Khi chính quyền địa phương xác nhận đúng là có anh A đấy, sống tại địa chỉ đấy và có hoàn cảnh như thế thì việc cấp giấy thông hành sẽ dễ dàng. Còn hỗ trợ vé máy bay thì Đại sứ quán sẽ kêu gọi, huy động các nguồn lực trong cộng đồng người Việt và các nguồn lực khác để giúp đồng bào về nước.
Hiện nay, những người đang lánh nạn này gặp rất nhiều khó khăn: lo ngại về an ninh, mất sạch tài sản, không còn tiền dằn túi nên không thể lên Manila để làm thủ tục. Họ muốn Đại sứ quán giúp đỡ cho họ lên Manila hoặc cử người xuống miền trung để trợ giúp pháp lý, tài chính. Phía Đại sứ quán sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Nếu chỉ là số ít người thì chúng tôi sẽ xem lại các điều kiện cụ thể để giải quyết theo hướng thuận tiện nhất. Còn nếu đấy là một số người lớn như anh nói thì chúng tôi có thể cử cán bộ xuống tận nơi.
Nói tóm lại, việc quan trọng nhất bây giờ là làm thủ tục, xác minh lý lịch. Những người Việt bị nạn trong bão Tacloban có thể liên hệ qua đường dây nóng để làm thủ tục, giấy tờ để về nước. Đại sứ quán sẽ làm hết sức mình để giúp đồng bào.
Việt Nam giúp đỡ Philippines Theo Đại sứ Trương Triều Dương, sau khi bão Haiyan tàn phá miền trung Philippines, gây thiệt hại lớn về người và của cho nước bạn, Chính phủ Việt Nam đã giúp đỡ 100.000 USD; Bộ Quốc phòng giúp đỡ 30.000 USD; Tổng công ty lương thực Miền Nam giúp 50.000 USD. Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn dành 50.000 USD giúp đỡ đồng bào người Việt gặp nạn và 50.000 USD giúp đỡ nhân dân Philippines. Hãng hàng không Vietjet Air cũng đang triển khai kế hoạch tổ chức chuyến bay chở hàng cứu trợ xuống Tacloban. Đại sứ quán Việt Nam đang làm việc với các cơ quan chức năng Philippines để thông qua việc thực hiện chuyến bay này. Tiếp nhận thông tin 23 người chạy nạn Trong số 28 người này, có 25 người tha thiết muốn về nước gấp nhưng lại không còn tiền để di chuyển lên Manila làm thủ tục. Ông Huỳnh Ngọc Sang (41 tuổi, quê Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết hiện nay anh em đã cạn tiền, lại rất lo lắng nạn cướp của giết người, rất mong Đại sứ quán và các tổ chức, cá nhân giúp đỡ đưa họ lên Manila. Chiều cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam đã liên hệ với nhóm của ông Sang để lấy thông tin cá nhân của 23 người nói trên. Sau khi tập hợp thông tin, Đại sứ quán Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước thẩm định và làm thủ tục để những người này về nước. Một người Việt còn kẹt lại gần Tacloban Đó là anh Trương Quang Sỹ, quê Nha Trang. Theo thông tin của anh Nguyễn Hữu Phước, một người Việt sống sót và tình nguyện ở lại Tacloban vì có gia đình ở đấy, anh Sỹ hiện đã di tản tới Tanawan (tức Tanauan), cách Tacloban khoảng 30 km, và đang tìm đường lên Manila. Hiện nay, ở Tacloban đã khôi phục lại sóng điện thoại di động, nhưng các vùng phụ cận như Tanawan thì chưa nên số điện thoại của anh Sỹ vẫn không thể liên lạc được. Đại sứ quán Việt Nam tại Manila đã tiếp nhận thông tin về anh Sỹ và đang tìm cách giúp đỡ. |
Đỗ Hùng
(thực hiện)
>> Dòng người di tản ở sân bay Tacloban
>> Nấm mồ tập thể ở Tacloban
>> Chuyển đồ cứu trợ cho người Việt tại Tacloban
>> Cứu trợ 'nhỏ giọt' tại Tacloban, hôi của lan rộng
>> Tacloban khát điện, khát nước và khát đủ thứ
Bình luận (0)