Đại tá Kim Sơn - người giữ lửa Việt Nam giải phóng quân

19/12/2022 07:18 GMT+7

Ngoài 90 tuổi, theo quy luật của tạo hóa, đại tá Kim Sơn, Thường trực Ban liên lạc Việt Nam giải phóng quân, không còn khỏe mạnh như những năm trước để “kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Song những công việc ông tổ chức thực hiện trước đây đã giữ lửa truyền thống của Việt Nam giải phóng quân.

Tập sách đầu tiên và duy nhất

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.1994), Ban liên lạc Việt Nam giải phóng quân đã cho ra mắt cuốn sách Việt Nam giải phóng quân - nhớ lại bước khởi đầu do thượng tướng Đàm Quang Trung và thượng tướng Phùng Thế Tài chỉ đạo thực hiện. Nhóm tuyển chọn và biên soạn gồm 4 thành viên: Hồng Kỳ, Lê Thùy, Hoàng Thế Dũng và Kim Sơn.

Cuốn sách đã lưu lại hồi ức của thiếu tướng Lê Quảng Ba về Đội du kích Pác Bó, Nhật ký Đệ nhị Cứu quốc quân của đại tá Đào Văn Trường, hồi ký Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân Tiến vào Chợ Rã(Bắc Kạn)của đại tá Mai Trung Lâm, hồi ký Cuộc chiến đấu ở hang Mỏ Gà của Chính trị viên Trần Thị Vũ chống thực dân Pháp khủng bố căn cứ địa Võ Nhai (Thái Nguyên), hồi ký Đánh Nhật và tay sai bảo vệ chiến khu của thượng tướng Phùng Thế Tài…

Đại tá Kim Sơn

Ban tuyển chọn, biên soạn đã có lời nói đầu gửi tới bạn đọc: “Toàn bộ các thông tin của cuốn sử liệu “Việt Nam Giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu” góp phần làm sáng tỏ giá trị lịch sử của Cách mạng tháng Tám; từ đó bác bỏ quan điểm của một số học giả, chính khách, tướng lĩnh nước ngoài cho rằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám của ta là một sự “ăn may”.

Do những khó khăn khách quan và chủ quan, sách “Việt Nam Giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu” chưa đề cập được đến các chiến khu khác ở miền Bắc Đông Dương như chiến khu Đông Triều, chiến khu Hòa - Ninh - Thanh...

Với tính chất một tập sử liệu, chúng tôi đều tôn trọng và đăng những ý kiến khác nhau để bạn đọc và nhất là các nhà sử học hiện nay và các thế hệ sau khách quan thẩm định”.

Việt Nam giải phóng quân - nhớ lại bước khởi đầu là tập sách đầu tiên và cũng là duy nhất. Sau đó, Ban liên lạc không ra mắt được thêm cuốn thứ hai vì các nhân chứng lịch sử tuổi cao, trí nhớ suy giảm, lần lượt qua đời.

Tập sách đầu tiên và cũng là duy nhất ra mắt được nhờ có sự nỗ lực của Thường trực Ban liên lạc Việt Nam giải phóng quân: đại tá Kim Sơn.

Ông Kim Sơn (hàng ngồi, thứ 3 từ phải qua) cùng các chiến sĩ giải phóng quân

NVCC

Tinh thần Tam Đảo muôn năm

Những năm đầu thập niên 1940, Kim Sơn mới 14 tuổi đã theo anh trai cả Nguyễn Huy Minh (bí danh Thạch Sơn) cùng một số đồng chí vượt núi từ Tam Đảo (Vĩnh Yên) sang Đại Từ (Thái Nguyên) hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng, thành lập đội du kích mang tên chiến sĩ trung kiên trẻ tuổi Phạm Hồng Thái.

Đội du kích Phạm Hồng Thái hình thành từ những chiến sĩ nòng cốt trong Đội du kích Tam Đảo. 5 anh em trai ruột lấy bí danh đều có chữ Sơn ở cuối để biểu thị ý chí cách mạng vững chắc tựa cao sơn: Anh cả Nguyễn Huy Minh là Thạch Sơn, anh hai Nguyễn Huy Mục là Tam Sơn, Nguyễn Huy Văn là Kim Sơn, Nguyễn Huy Tân là Ngân Sơn, và người em thứ năm Nguyễn Huy Kha là Mai Sơn.

Ngày 15.5.1945, trong lễ thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân, trung đội Phạm Hồng Thái chính thức trở thành một trung đội của Việt Nam giải phóng quân.

Tháng 7.1945, đồng chí Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chỉ thị cho trung đội Phạm Hồng Thái hạ đồn Nhật ở Tam Đảo, nhằm đảm bảo an toàn hành lang giao thông đưa đón các đại biểu lên họp Quốc dân ở Tân Trào. Trận đánh kết thúc, Kim Sơn cùng các chiến sĩ trong trung đội giành thắng lợi. Toàn bộ quân Nhật tại đồn Tam Đảo đã bị tiêu diệt và bắt sống.

Báo Quân giải phóng - cơ quan tuyên truyền của Việt Nam Giải phóng quân, số 1 ngày 3.8.1945, trong bài Tinh thần anh em binh lính Tam Đảo muôn năm đã ngợi ca: “Hai chữ Tam Đảo sẽ lưu truyền đời đời trong lịch sử Cách mạng giải phóng của ta…”.

Những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 - chỉ một tháng sau đó, Kim Sơn có mặt trong đội quân chủ lực từ gốc đa Tân Trào tiến đánh Thái Nguyên, rồi tiến về thủ đô Hà Nội.

Chiều 2.9.1945, ông có mặt trong hàng ngũ chiến sĩ Giải phóng quân tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (còn tiếp)

Đại tá Kim Sơn, tên thật là Nguyễn Huy Văn, sinh năm 1930, trong gia đình có 6 người con đều tham gia cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Tham gia quân đội, ông trải qua nhiều đơn vị từ bộ đội thông tin liên lạc đến Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng. Nghỉ hưu, ông tự nguyện tham gia giúp việc Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều năm liên tục cho đến ngày Đại tướng qua đời và là Thường trực Ban liên lạc Việt Nam giải phóng quân. Đại tá Kim Sơn được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.