Festival Di sản Quảng Nam lần 5 – nơi hội tụ của những di sản trong nước và khu vực - Ảnh: Hoàng Sơn |
Tiếp nối 4 kỳ lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản được tổ chức từ năm 2003, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa VN và đặc trưng văn hóa Quảng Nam; quảng bá hình ảnh VN và tỉnh Quảng Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế nhằm phát triển du lịch và thu hút đầu tư. Đây là sự kiện quan trọng kỷ niệm 10 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO do UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia UNESCO VN tổ chức.
Trong khuôn khổ của lễ hội, ban tổ chức đã mời nhiều đoàn nghệ thuật, đơn vị trong nước cũng như các quốc gia ASEAN, các tổ chức trên thế giới tham dự. Các đoàn nghệ thuật của 9 nước ASEAN và Hàn Quốc, Nhật Bản cùng 22 đoàn đến từ các tỉnh, thành trong nước, các đoàn hợp xướng quốc tế sẽ mang đến các chương trình biểu diễn nghệ thuật ấn tượng trong không gian mở tại phố cổ.
Hợp xướng quốc tế
Điểm nhấn của festival là triển lãm Không gian di sản văn hóa VN - ASEAN, hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ 3 và chung kết cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc VN 2013.
Hôm 21.6, triển lãm Không gian di sản văn hóa VN và ASEAN đã chính thức khai mạc tại Vườn tượng An Hội (TP.Hội An). Triển lãm là cuộc hội tụ các vùng miền văn hóa đặc trưng của VN được UNESCO công nhận cùng những hình ảnh sinh động, độc đáo của các di sản thuộc các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Để tổ chức cuộc triển lãm này, Công ty CP Nhà Việt Nam (Vinahouse) đã lắp đặt 23 nhà cổ tại công viên bên bờ sông Hoài. Trong đó, không gian di sản văn hóa đặc trưng của các tỉnh, thành như: Bạc Liêu, Huế, Quảng Nam, Hà Nội, TP.HCM… được phân chia vào 22 gian nhà cổ, gian nhà còn lại là không gian chung cho các quốc gia ASEAN. Cũng trong ngày 21.6, hội thi Hợp xướng quốc tế lần 3 đã khép lại. Ban tổ chức đã trao 6 giải bạc, 12 giải vàng (không có giải đồng). Đội University of Louis ville Cardinal Singers (Mỹ) đã giành giải xuất sắc.
Ngoài ra, trong khuôn khổ của chương trình, tại khu phố cổ, Trung tâm VH-TT Hội An đã tổ chức chương trình “Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20”, liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc VN; giải võ thuật cổ truyền miền Trung - Tây nguyên; giải đua thuyền truyền thống tỉnh Quảng Nam…
Bên cạnh đó còn có các hội thảo khoa học, hội thảo xúc tiến đầu tư, diễn đàn đầu tư tăng trưởng xanh...
“Hồn Chăm thức dậy trong di tích ngàn xưa”
Trong suốt thời gian diễn ra festival, Hội An được chọn là nơi diễn ra 8/13 sự kiện, trong đó 3 sự kiện quan trọng là tâm điểm như đã nêu đều diễn ra tại khu phố cổ, bên dòng sông Hoài thơ mộng.
Cũng tại festival lần này, ban tổ chức còn mở rộng hoạt động ra các địa phương khác. Đáng chú ý là sự kiện khai trương trưng bày tháp G tại Khu di tích Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) sau hơn 10 năm trùng tu và Ngày hội văn hóa Chăm với nhiều hoạt động nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc diễn ra vào hôm qua 22.6. Chương trình được đầu tư công phu, lấy từ gốc dân gian nguyên thể của văn hóa Chăm, như: nghi lễ, nghệ thuật dân gian, trưng bày, ẩm thực... Lễ hội là cuộc trình diễn “hồn Chăm thức dậy trong di tích ngàn xưa” với tâm điểm là tháp G.
Không gian festival còn được mở rộng từ các vùng đồng bằng như: Điện Bàn, TP.Tam Kỳ, Phú Ninh… cho đến các huyện núi Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang... Theo đó, các sự kiện chợ làng nghề truyền thống được tổ chức tại H.Điện Bàn, khai trương tắm khoáng tại Khu du lịch sinh thái Phú Ninh, Làng du lịch Bờ Hôồng, Đhơ Rồng tại H.Đông Giang; tham quan Đường Hồ Chí Minh huyền thoại tại H.Nam Giang.
Theo ban tổ chức, chuỗi sự kiện festival đề cao tối đa tính cộng đồng, xã hội hóa nên đã huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, nhìn nhận đây là cơ hội lớn để chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm du lịch. Qua đó, tỉnh có thêm nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước, tăng chỉ tiêu đón khách mỗi năm 20% (vượt con số hơn 2,8 triệu lượt khách năm 2012), sau năm 2015 sẽ đón từ 4-6 triệu lượt khách/năm.
Kỷ lục bê thui, mì Quảng
Chiều cùng ngày, món mì Quảng được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là một trong 12 món ăn VN đạt tiêu chí "Giá trị ẩm thực châu Á" và món bê thui Cầu Mống được Tổ chức Kỷ lục VN công nhận xác lập kỷ lục món ngon VN đã được công bố.
Tô mì Quảng Phú Chiêm phục vụ cho 600 người ăn với các nguyên liệu gồm: 105 kg mì Quảng, nước nhân với 18 kg thịt ba chỉ, 25 kg tôm đất, 5 kg cua đồng, rau sống được lấy từ làng rau Trà Quế... Hình dáng tô mì được mô phỏng theo mẫu tô mì cổ ngày xưa tại làng Phú Chiêm (H.Điện Bàn, Quảng Nam), bên trong tráng men, bên ngoài khảm sành cổ thời nhà Nguyễn. Kích thước tô mì có đường kính 3,6 m, chiều cao 1,5 m và phần đế 0,156 m. Ngoài ra, đi kèm tô mì “khủng” còn có đĩa rau sống đường kính 4,1 m, cao 0,6 m được khảm sành cổ thời nhà Nguyễn; đôi đũa gỗ mun dài 1,8 m.
Đĩa bê thui Cầu Mống có đường kính 4,5 m, cao 0,65 m, phần đế 0,05 m và được khảm sành cổ thời nhà Nguyễn. Nguyên liệu để thực hiện món ăn này là: bê thui, mắm nêm, các loại rau gia vị đi kèm.
Đĩa bê thui Cầu Mống khổng lồ có đường kính 4,5 m |
Hoàng Sơn
Bình luận (0)