Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giao lưu, kể về người thầy tình báo tài năng

11/03/2023 18:28 GMT+7

Sách Người Thầy của tác giả Thượng tướng, GS.TS Nguyễn Chí Vịnh do NXB Quân đội nhân dân ấn hành ra mắt bạn đọc tại Hà Nội vào ngày 10.2. Chỉ sau 1 tháng, Người Thầy đã cán mức phát hành gần 6.000 bản. Trong tác phẩm: Đại tướng Lê Đức Anh, các nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Khiêm... lấp lánh trong nhiều chương và cuốn hút người đọc.

Sáng 11.3 tại NVH Thanh niên (TP.HCM), các độc giả phía Nam có dịp gặp gỡ Thượng tướng – GS.TS Nguyễn Chí Vịnh, tác giả cuốn sách Người Thầy (do NXB Quân đội nhân dân vừa ấn hành), ở buổi giao lưu đầu tiên do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, NXB Quân đội nhân dân, Thành đoàn TP.HCM đồng tổ chức.

Đại tướng Lê Đức Anh, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn xuất hiện trong sách 'Người Thầy' - Ảnh 1.

Thượng tướng, GS.TS Nguyễn Chí Vịnh - tác giả sách 'Người Thầy' tại buổi giao lưu

Đại tướng Lê Đức Anh, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn xuất hiện trong sách 'Người Thầy' - Ảnh 2.

Rất đông độc giả đến tham dự và đặt nhiều câu hỏi lý thú với tác giả

QUỲNH TRÂN

Cuốn sách Người Thầy của Thượng tướng – GS.TS Nguyễn Chí Vịnh dày 500 trang khổ lớn, được bố cục thành 7 chương theo phong cách hiện đại, là truyện nhưng phi hư cấu, vừa giống thể tài hồi ức, nhưng cũng mang phong cách tiểu thuyết chương hồi.

Trong tác phẩm, tác giả cũng cho bạn đọc cơ hội được "tiếp xúc" với một số nhân vật lịch sử nổi tiếng như Đại tướng Lê Ðức Anh, các vị tướng đứng đầu ngành tình báo quân đội như Đặng Vũ Chính, Nguyễn Như Văn; những nhà tình báo huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Khiêm, Lê Hữu Thúy...

Mỗi tên tuổi cùng câu chuyện cuộc đời và những điệp vụ, chiến công của họ đều lấp lánh xuất hiện trong mỗi chương phần của cuốn sách, góp phần làm cho tác phẩm thêm cuốn hút người đọc.

Trong con người thầy luôn đau đáu hai điều: tình yêu và lý tưởng

Nhân vật trung tâm xuyên suốt trong cuốn sách là ông Ba Quốc, tức Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức từ những ngày hoạt động tình báo ở Campuchia cho tới lúc ông nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng tình báo. Bao trùm nội dung là những đóng góp của ông đối với ngành tình báo quốc phòng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông là một nhà tình báo xuất sắc của tình báo quốc phòng Việt Nam, một cán bộ tình báo tài năng, hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một điệp viên "chui sâu, leo cao" hoàn hảo.

Những câu chuyện về người thầy Ba Quốc được kể dưới góc nhìn của người học trò Nguyễn Chí Vịnh. Tác giả, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thừa nhận rằng để viết về một nhân vật như ông Ba Quốc thật sự rất khó bởi ngoài những bí mật của ngành tình báo không thể tiết lộ, ông Ba Quốc rất hiếm khi nói về bản thân.

Tuy nhiên, với lợi thế của người trong cuộc, rất am hiểu công việc tình báo và mối quan hệ thầy trò gần gũi trong công việc cũng như mối quan hệ thầy trò gần gũi với nhân vật trong công việc cũng như cuộc sống sinh hoạt đời thường, tác giả đã tìm ra một lối tiếp cận mới và phương pháp xử lý khối lượng thông tin ngồn ngộn một cách hoàn hảo, khiến cho cuốn sách trở nên tròn trịa và hấp dẫn.

Đại tướng Lê Đức Anh, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn xuất hiện trong sách 'Người Thầy' - Ảnh 3.

Bìa sách Người Thầy (do NXB Quân đội nhân dân vừa ấn hành)

NXB

Thượng tướng – GS.TS Nguyễn Chí Vịnh khiêm tốn: "Rất tiếc trình độ và khả năng của tôi không phác họa hết được hình ảnh, phong cách to lớn của thầy tôi nhưng với tôi, ông lúc nào cũng nghiêm khắc, hy sinh hết thảy đời sống cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong con người ông luôn đau đáu hai điều: tình yêu và lý tưởng".

Do công việc đặc thù của ngành tình báo, Thiếu tướng Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức phải có hai người vợ, một ở Bắc một ở Nam, nhưng ông luôn dành tình cảm cho bà Phạm Thị Thanh và Ngô Thị Xuân trọn vẹn, chu toàn mọi thứ. Và hai người phụ nữ chịu thương chịu khó này cũng yêu thương ông hết mực, hy sinh hết thảy cho chồng con.

"Cách đây khá lâu, dù ở chiến trường ác liệt, khi chúng tôi là những người lính còn trẻ ông truyền cho tôi cách ứng xử không áp đặt nặng nề. Ông luôn dành cho thế hệ thanh niên những gì tốt đẹp nhất", Thượng tướng – GS.TS Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ thêm.

Độc giả đặt câu hỏi ở cuốn sách, chắc ngành tình báo còn một số chuyện chưa thể công bố được nên ông có gì chưa hài lòng và sẽ bổ sung khi tác phẩm được dịp tái bản không, Thượng tướng – GS.TS Nguyễn Chí Vịnh bộc bạch: "Khi cuốn sách phát hành, tôi có dịp gặp nhiều đồng đội và người thân của chú Ba Quốc, được nghe thêm nhiều câu chuyện cảm động về ông. Dự định khi cuốn sách tái bản tôi sẽ bổ sung phần này và đưa thêm những câu chuyện ấy vào".

Đại tướng Lê Đức Anh, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn xuất hiện trong sách 'Người Thầy' - Ảnh 4.

Thượng tướng – GS.TS Nguyễn Chí Vịnh bộc bạch: "Khi sách phát hành, tôi có dịp gặp nhiều đồng đội và người thân của chú Ba Quốc, được nghe thêm nhiều câu chuyện cảm động về ông. Dự định khi cuốn sách tái bản, tôi sẽ đưa thêm những câu chuyện ấy vào"

Đại tướng Lê Đức Anh, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn xuất hiện trong sách 'Người Thầy' - Ảnh 5.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và NXB Quân đội nhân dân tặng hoa chúc mừng Thượng tướng – GS.TS Nguyễn Chí Vịnh (giữa)

QUỲNH TRÂN

Trước khi kết thúc buổi giao lưu, MC mong ông có điều gì đó muốn gởi gắm đến thanh niên TP.HCM, Thượng tướng – GS.TS Nguyễn Chí Vịnh nói: "Tôi rất ấn tượng và tự hào về thanh niên TP.HCM. Các bạn là những lực lượng trẻ, tiên phong trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ thời anh Sáu Dân, anh Sáu Phong, các phong trào thanh niên luôn gây ấn tượng mạnh trên cả nước nên khi NXB Quân đội đặt vấn đề giao lưu với thanh niên TP.HCM, tôi đồng ý ngay, bất kể thời gian nào. Vì trong cuốn sách Người Thầy của tôi có nhân vật chú Ba Quốc là người Sài Gòn - TP.HCM tham gia cách mạng nên tôi mong cuốn sách đến được nhiều với các bạn trẻ ở thành phố mình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.