Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trai trẻ: Học tú tài Trường Albert Sarraut

17/08/2021 06:15 GMT+7

Đến nay, quá ít tư liệu về thời gian Võ Nguyên Giáp đi học trường Albert Sarraut. Đó còn là một vùng trắng đối với những người nghiên cứu tiểu sử Võ Nguyên Giáp.

Kỳ thi tuyển đặc biệt

PGS Nguyễn Văn Hoàn lúc sinh thời có kể cho tôi nghe: “Anh Võ Nguyên Giáp học Trường Albert Sarraut. Trường đó người ta ấn tượng phải là con nhà giàu hoặc con quan. Anh Võ Nguyên Giáp con nhà nghèo mà lại dính chuyện tổ chức bãi khóa ở Huế thế thì làm sao vào học Albert Sarraut được? Nhưng đúng là Võ Nguyên Giáp học Albert Sarraut thật”.
Ra tù, sau 1 năm chịu quản thúc ở quê nhà Quảng Bình, Võ Nguyên Giáp trở ra TP.Vinh, tỉnh Nghệ An và được một người đồng chí đàn anh trong đảng Tân Việt là Đặng Thai Mai (sau này trở thành bố vợ của ông) cho ở trong nhà để vừa đi dạy học tư vừa tự học chương trình tú tài. Đặng Thai Mai ra Hà Nội dạy Trường trung học tư thục Gia Long nên Võ Nguyên Giáp và em trai là Võ Thuần Nho cùng ra Hà Nội, sinh sống với gia đình thầy Mai.
Năm 1933, Võ Nguyên Giáp đỗ tú tài đại cương (còn gọi là phần thứ nhất). Mục tiêu tiếp theo của ông là đỗ tú tài toàn phần. Thời gian đó, được biết Trường Albert Sarraut (nay là Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) thông báo còn một số chỗ cho thí sinh tự do, Võ Nguyên Giáp đệ đơn dự thi. Phần lớn chỗ học ở năm cuối cùng của Trường Albert Sarraut dành cho con em những công chức thực dân người Pháp. Còn thanh niên Việt Nam muốn vào thì phải qua một kỳ thi tuyển đặc biệt.
Một học sinh của Trường Albert Sarraut khi đã 80 tuổi là ông Nguyễn Đình Tú nhớ lại để thi vào trường, thí sinh phải trải qua một ngày thi viết, một ngày thi vấn đáp, ban giám khảo toàn người Pháp. “Hồi ấy trong số 1.000 người dự thi tuyển vào Trường Albert Sarraut, tất cả chỉ có 2 người Việt Nam được vào học”, ông Tú kể.
Võ Nguyên Giáp dự thi và đã trúng tuyển, được nhận vào học. Trong thời gian học Trường Albert Sarraut, ông nhận được sự giúp đỡ của một giáo sư chủ nhiệm lớp là Marcel Ner để được miễn lệ phí nhập học. Một số rắc rối khác xuất hiện như thông tin từ cơ quan mật thám đưa ra: Võ Nguyên Giáp từng tham gia đảng Tân Việt, từng bị bắt ở tù 1 năm trong lao Thừa Phủ (Huế) vì hoạt động chính trị… Là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp lại có xu hướng chính trị tiến bộ, Giáo sư Marcel Ner đã thay mặt Võ Nguyên Giáp xin lỗi vì cậu học trò “lầm tưởng rằng làm như thế là đi theo lý tưởng của cách mạng Pháp năm 1789”, có trong chương trình giảng dạy tại các trường ở Việt Nam.

Miệt mài học tập

Giờ đây, Võ Nguyên Giáp khép mình vào kỷ luật, che giấu mọi cảm xúc. Cơ quan mật thám Pháp đã bớt chú ý đến ông trong thời gian theo học ở Trường Albert Sarraut. Bề ngoài ông học tập chăm chỉ, tỏ ra ngoan ngoãn. Miệt mài học tập, ông nhanh chóng đứng đầu lớp, ban Triết học.
Tư liệu từ các nhà nghiên cứu phương Tây cho biết học trò người Việt ở Trường Albert Sarraut vẫn dành thời gian cùng ngồi với nhau bên vệ cỏ bờ hồ Hoàn Kiếm, hay tổ chức các đội bóng đá và thi đấu với nhau. Họ không quên nhắc nhở nhau về giấc mơ yêu nước.
Còn dịch giả Nguyễn Văn Sự khi biên soạn cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp - danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài (NXB Quân đội Nhân dân, 2011) đã cung cấp một tư liệu của phương Tây như sau: “Võ Nguyên Giáp kể: Tôi luôn luôn nghĩ đến ngày đất nước thoát khỏi sự thống trị của người Pháp. Nhiều bạn học chia sẻ ý kiến này với tôi. Có cả những bạn học các trường khác thường ngồi với nhau bàn bạc đấu tranh thế nào để giải phóng đất nước. Ý tưởng chính của chúng tôi là yêu nước như thế nào. Chúng tôi thường nói với nhau những đề tài ấy bên ngoài nhà trường. Chúng tôi nói theo cách riêng của bọn học trò chúng tôi. Thời điểm ấy, chúng tôi còn non nớt thơ ngây lắm, chưa biết phải chiến đấu như thế nào”.
Các tác giả viết Võ Nguyên Giáp - tiểu sử (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020) chia sẻ cùng học Trường Albert Sarraut với Võ Nguyên Giáp là Phạm Huy Thông và Hoàng Xuân Nhị, sau này đều là những giáo sư đại học danh tiếng. Qua tư liệu của các nhà sử học cho thấy những người quen biết Võ Nguyên Giáp thời đèn sách, từ bạn bè đến các giáo sư, kể cả các bạn học người Pháp, ai cũng có thiện cảm với ông. Họ tin tưởng rằng Võ Nguyên Giáp sẽ có một tương lai xán lạn, miễn là cứ tiếp tục đi theo con đường học vấn.
Võ Nguyên Giáp đỗ tú tài toàn phần chuyên ban Triết học năm 1934. Có bằng, năm 1935, ông xin vào Trường tư thục Thăng Long (lúc này do Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng) dạy lịch sử và Pháp văn, 3 giờ/ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.