Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong SGK - Kỳ 5: Đừng để lịch sử gây ‘đau khổ’ cho học sinh

24/10/2013 12:25 GMT+7

(TNO) Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, đã có bài viết chia sẻ cùng Thanh Niên Online nhân câu chuyện SGK lịch sử được biên soạn theo kiểu cũ với những con số thống kê nhàm chán, khô cứng, gây ‘đau khổ’ cho hàng ngàn học sinh.

(TNO) Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, đã có bài viết chia sẻ cùng Thanh Niên Online nhân câu chuyện SGK lịch sử được biên soạn theo kiểu cũ với những con số thống kê nhàm chán, khô cứng, gây ‘đau khổ’ cho hàng ngàn học sinh.

>> Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: TTXVN

Học lịch sử để làm người Việt Nam

Lịch sử luôn là một môn học cực kỳ thú vị. Lịch sử luôn là chất keo kết dính giữa dân tộc Việt Nam, khiến người Việt Nam ý thức mình thuộc về đất nước này, có chung nguồn gốc và gọi chung hai tiếng “đồng bào”.

Lịch sử học về chiến tranh để ta yêu quý hòa bình. Lịch sử là một môn học phát triển trí tuệ khi kết tinh mưu trí của các thế hệ đi trước trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngoài ra, lịch sử còn hấp dẫn với những câu chuyện kể gay cấn về các trận đánh, về tài thao lược, và cả những “luật vua, phép nước”, dựng nước, giữ nước từ bao đời nay để xây dựng nên một dân tộc Việt Nam như hiện tại.

Thế nhưng, hàng nghìn con số ngày, tháng, năm và hàng khối số liệu chiến trận phải nhớ đã khiến môn lịch sử (đang giảng dạy trong các trường học) trở thành một môn thống kê. Đây là một trong những môn gây đau khổ cho bất cứ học sinh nào vì nó thách thức trí nhớ thay vì khơi gợi lên cảm xúc.


Người dân đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng - Ảnh: Nguyễn Tú

5 điều học sinh cần ở môn lịch sử

Để trả môn lịch sử về đúng với vị thế và chức năng của nó, ta cần:

Thứ nhất, phải dẹp bỏ các số liệu không quan trọng. Chính số liệu khiến cho trí tuệ học sinh khủng hoảng. Thử hỏi ra trường có bao nhiêu con số vẫn còn được nhớ? Chỉ cung cấp năm diễn ra, số liệu tổng thể để người học nắm tinh thần. Nếu cần con số cụ thể thì ra sách tham khảo để học sinh tra cứu nếu muốn.

Thứ hai, nội dung giúp học sinh hứng thú với diễn biến gay cấn của sự kiện hơn là năm ngày tháng diễn ra: Có những quyển sách lịch sử kể chuyện hấp dẫn như phim, lịch sử ông cha ta còn hấp dẫn hơn thế nhiều. Sách cần lối hành văn chân thực mà vẫn không làm mất đi cái “thần”, cái gay cấn của thực tế, không làm rơi rớt sự hấp dẫn của lịch sử.


Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Ảnh: Thanh Hải

Thứ ba, là cách phân tích cần làm bật lên trí tuệ của cha ông: Nhấn mạnh sự độc đáo của cách đánh giặc (những chiến thuật có một không hai, những chiến lược thông minh phù hợp với thực tế Việt Nam) và cách dựng nước trong lịch sử dân tộc.

Thứ tư, là cần đưa vào cả những tổn thất, những sai lầm trong lịch sử để thế hệ sau biết: Vừa tránh cơ hội cho những kẻ xấu xuyên tạc, vừa để thế hệ sau biết học nhận lỗi thay vì tránh né, vừa rút được kinh nghiệm xương máu trong quá khứ.

Thứ năm, là cần thể hiện chủ nghĩa anh hùng thông qua các nhân vật lịch sử: Phải làm bật được vai trò của cá nhân đúng với thực tế, bởi đó là những tấm gương quý báu cho thế hệ trẻ cần được khai thác sâu.

Nếu làm được điều này, thần tượng của thế hệ trẻ không phải là một diễn viên hay ca sĩ ở đất nước nào đó xa xôi mà chính là những lãnh tụ cách mạng, những vị tướng, những hiền sĩ đã mang đến hòa bình và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam.

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp 'vắng mặt' trong sách giáo khoa - Kỳ 4: Lạc hậu trong quan điểm viết sách
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong sách giáo khoa - Kỳ 3: Cần phải thay đổi cách làm sử
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong sách giáo khoa - Kỳ 2: Làm nhẹ vai trò cá nhân
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong sách giáo khoa - Kỳ 1: Sách giáo khoa ‘bỏ quên’ Đại tướng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.