Nhiều người dân xã Kroong, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đổ xô đi đãi vàng trái phép, ngay dưới chân đập thủy điện Plei Krong, bất chấp nguy hiểm.
Những ngày qua, nhiều thôn, làng thuần nông bị xáo trộn bởi việc khai thác vàng sa khoáng. Người dân nơi đây bỏ nương, rẫy kéo nhau ra lòng sông Pô Kô dưới chân cầu Kroong, tụ tập thành nhiều nhóm với các dụng cụ đãi vàng thủ công thô sơ: chảo đãi, xẻng, thau, cuốc… Họ hì hục lặn ngụp, đắm mình múc đất đá dưới đáy sông để tìm vàng. Người thì đào, người thì đãi, được chia thành các tốp nhỏ, mỗi tốp một góc.Không khí lao động dưới lòng sông đục ngầu rất rộn ràng, như một công trường xây dựng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người đãi vàng chủ yếu thuộc xã Kroong, TP.Kon Tum. Một ngày làm việc của những người đãi vàng bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt. Họ đem theo nồi, niêu, xoong, chảo để nấu ăn trưa tại nơi đãi vàng. Mỗi ngày có khoảng 100 người thay nhau đào, đãi vàng với đủ mọi thành phần: già, trẻ, gái, trai, và cả những em nhỏ đi làm phụ cha mẹ vào những buổi không lên lớp.
Một ngày, mỗi người kiếm được cả trăm ngàn đồng, đó là một số tiền khá lớn với một xã nghèo như Kroong. Chẳng vậy mà nhà nhà, người người thay nhau ra lòng sông kiếm vận may. Chị Y Vỹ (ngụ xã Kroong) nói như giãi bày: “Ai mà muốn xuống sông đãi vàng ngâm nước cả ngày thế này chứ. Cũng vì thiếu đất canh tác, mùa khô thì hạn hán không trồng được gì, mùa mưa thì nước đập thủy điện xả xuống ngập hết đất đai, nên đành phải ra sông tìm vàng kiếm cơm, kiếm mắm qua ngày”.
|
Bãi vàng trên sông Pô Kô, đoạn dưới chân cầu Kroong, có từ khá lâu rồi, nhưng số lượng vàng không nhiều. Đây không phải là lần đầu tiên mà hàng năm, vào những dịp thủy điện tích nước, nạn đào đãi vàng trái phép lại diễn ra nhưng chính quyền vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Ông Nguyễn Thành Đức, Chủ tịch UBND xã Kroong, cho biết: “Chính quyền địa phương vẫn biết việc người dân đổ xô đi đãi vàng trái phép dưới chân cầu Kroong, lực lượng công an xã cũng nhiều lần truy đuổi, chính quyền địa phương cũng có nhắc nhở, tuyên truyền, vận động nhưng đâu lại vào đấy. Lực lượng của xã còn quá mỏng để thực hiện được điều này”.
“Việc đào đãi vàng dưới chân đập thủy điện là vô cùng nguy hiểm bởi việc xả nước của hồ thủy điện thường diễn ra vào buổi sáng nhưng lại không có lịch xả nước cụ thể gửi xuống chính quyền địa phương. Vì vậy, chúng tôi liên tục cảnh báo người dân bên 2 bờ sông, không riêng gì người khai thác vàng mà cả những người dân làm đồng áng, bắt cá, chăn bò 2 bên bờ sông dưới chân đập phải hết sức lưu ý”, ông Đức nói thêm.
Trong khi đó, ông Đinh Viết Thiện, Quản đốc Nhà máy thủy điện Plei Krông, cho biết: “Nhà máy đã phối hợp với chính quyền 2 xã Kroong (TP.Kon Tum) và Sa Bình (H.Sa Thầy) tuyên truyền, thông báo cho người dân biết tín hiệu trước khi xả nước. Theo đó, trước khi xả nước nhà máy sẽ dùng loa hoặc còi hú để người dân sản xuất, lao động phía dưới chân đập biết để tránh. Tuy nhiên, chúng tôi không ấn định thời gian xả nước cụ thể khi nào vì phải tùy thuộc vào yêu cầu vận hành và điều điện thực tế.”
Hoàng Ngọc
Bình luận (0)