Mùa mưa lũ năm nay đã khiến H.Đăk Glei thiệt hại nặng nề. Nước lũ từ các sông suối đổ về khiến 8 cây cầu trên địa bàn huyện bị cuốn trôi, nhiều tuyến đường bị chia cắt, hàng trăm căn nhà bị ngập. Tuy nhiên những cơn mưa cũng kéo theo lượng lớn vàng sa khoáng trên các đồi núi đổ về sông Đăk Broai.
Anh A Huy (ở xã Đăk Pék) cho biết sau mỗi trận lũ, anh bỏ nương rẫy theo người làng ra đây tìm kiếm vận may. “Những ngày mưa gió không làm gì ra tiền nên mọi người rủ nhau đi đãi vàng kiếm tiền mua thức ăn. Cả nhóm đãi chung rồi đem bán cho tiệm vàng lấy tiền chia nhau. Hôm nào ít thì được 50.000 đồng, hôm nào nhiều được cả trăm ngàn đồng”, anh A Huy nói.
Điều đáng nói, khu vực này nằm ngay phía hạ lưu đập thủy điện Đăk Pru 1, nguy hiểm luôn chực chờ bởi không biết lúc nào nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Nếu thủy điện bất ngờ xả lũ thì tính mạng của hàng trăm người như ngàn cân treo sợi tóc. Ai cũng biết mối nguy ấy, nhưng vẫn kéo nhau đi tìm vận may.
|
Ông A Nhoong (ở xã Đăk Pék) cho biết nhà có ít đất sản xuất, tranh thủ những lúc mưa gió, nhàn rỗi ông cùng dân làng ra sông đãi vàng kiếm tiền. “Đãi vàng dưới chân thủy điện cũng sợ lắm chứ, nhưng sau lũ thiếu thốn quá đành phải làm”, ông A Nhoong nói.
Ông Nguyễn Khắc Tụ, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pék, cho biết chính quyền địa phương biết việc người dân đổ xô đi đãi vàng trái phép trên sông Đăk Broai. Lực lượng công an xã đã nhiều lần đẩy đuổi, chính quyền địa phương cũng có nhắc nhở, tuyên truyền, vận động nhưng đâu lại vào đấy.
Còn bà Y Thanh, Chủ tịch UBND H.Đăk Glei, cho biết huyện đã nắm được tình hình và chỉ đạo cho các xã, đặc biệt là xã Đăk Pék, tăng cường vận động người dân không đi đào đãi vàng. “Việc đào đãi vàng là hoàn toàn trái phép. Địa phương đã nhiều lần truy quét nhằm hạn chế tình trạng này. Ngoài ra chúng tôi cũng chỉ đạo các xã tổ chức lực lượng canh giữ, vận động người dân không đào đãi vàng. Tuy nhiên chỉ cấm được một thời gian thì người dân lại tiếp tục lén lút hoạt động”, bà Y Thanh nói.
Bình luận (0)