Đại biểu Quốc hội: Đau đớn thay khi trẻ em bị chính người thân xâm hại

27/05/2020 09:34 GMT+7

Tình trạng trẻ em bị người thân như cha mẹ, ông bà, thầy giáo xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục đang gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức xuống cấp, luân thường, đạo lý đảo lộn.

Theo chương trình làm việc, ngày 27.5, Quốc hội thảo luận trực tuyến cả ngày về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Góp ý cho báo cáo của đoàn giám sát, đại biểu (ĐB) Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) cho rằng, trẻ em luôn được Nhà nước dành nguồn lực, có các chính sách kịp thời chăm sóc về tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, đại biểu Mai cũng cảnh báo tình trạng người bị hại không thể chống đỡ được khi kẻ hãm hại chính là những người thân yêu, gần gũi như ông bà, cha mẹ, thầy cô.
“Đau đớn thay, phẫn nộ thay, những tưởng trẻ em chúng ta được an toàn trong vòng tay yêu thương của người thân thì vẫn còn trường hợp bà đang tâm giết cháu, mẹ cha giết con, ông cha thay nhau hãm hiếp con cháu, thầy cô xâm hại học trò… đủ dạng, đủ kiểu, đủ lý do. Nhưng tột cùng của nó là đạo đức xuống cấp, luân thường đạo lý đảo lộn, các giá trị nhân bản bị xem thường”, ĐB Mai cảnh báo.

Quốc hội báo động về tình trạng xâm hại trẻ em

Ảnh minh hoạ

"Giải pháp nào để người ta sống bằng phần người chứ không phải toàn phần con", đại biểu Mai đặt câu hỏi và đề nghị xử lý gốc rễ của vấn đề là giáo dục ở cả 3 môi trường. Đối với gia đình, cần giám sát chặt chẽ, trách nhiệm ông bà người thân; bản thân trẻ cũng phải được trang bị kỹ năng chống xâm hại và xử phạt thật nặng người thân xâm hại… Với nhà trường, tất cả giáo viên phải được đào tạo, xét tuyển kỹ lưỡng về quyền trẻ em, quyền con người. Đối với môi trường xã hội, người lớn phải làm gương, xử lý nghiêm hình mẫu lệch chuẩn như phụ huynh đánh học sinh, trách nhiệm quản lý, đặc biệt tại khu vực xã, phường.

1 ngày trung bình 7 trẻ em bị xâm hại 

Trước đó, báo cáo của đoàn giám sát cho thấy, đến ngày 30.6.2019, cả nước có hơn 24,7 triệu trẻ em, chiếm 25,75% dân số. Qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn. Từ ngày 1.1.2015 đến ngày 30.6.2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ bị xâm hại.
Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước.
Trong các hình thức xâm hại trẻ em, nổi lên và gây bức xúc nhất là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.